Liên hợp quốc ngày 26/3 đã đánh giá cao hành động thiện chí của các nhóm vũ trang tại Cameroon, Philippines và Yemen khi hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để tập trung chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen, ông Martin Griffith, cho biết cả lực lượng chính phủ và nhóm phiến quân Houthi đều có phản ứng tích cực đối với kêu gọi của Liên hợp quốc.
Ông hy vọng các bên sẽ tuân thủ cam kết của mình và đặt lợi ích của người dân Yemen lên trên hết, đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn về cách thức biến cam kết của họ thành hiện thực.
[Các bên ở Yemen kêu gọi ngừng bắn, Iraq kéo dài lệnh giới nghiêm]
Yemen rơi vào nội chiến kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.
Năm 2015, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 10.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột tại Yemen kể từ khi Liên quân Arab can thiệp quân sự.
Cuộc xung đột cũng đẩy quốc gia ở phía Nam bán đảo Arab rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới, với hàng triệu người đứng trước nguy cơ bị đói.
Trước đó, hôm 23/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ dân thường tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Yemen và Syria, những nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn sẽ không ứng phó được sự lây lan của dịch bệnh.
Về cuộc xung đột tại Cameroon, trong cuộc họp báo hàng tuần ở New York (Mỹ), người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh lệnh ngừng bắn tạm thời do Lực lượng phòng thủ Cameroon ở khu vực miền Nam công bố. Tổng Thư ký kêu gọi các nhóm vũ trang khác cũng làm như vậy."
Xung đột vũ trang đã bùng phát tại khu vực Tây Bắc và Tây Nam Cameroon giáp biên giới Nigeria từ tháng 10/2017.
Lực lượng nổi dậy tại khu vực nói tiếng Anh này muốn tách khỏi khu vực nói tiếng Pháp của Cameroon. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.
Liên hợp quốc ước tính hơn 679.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Tại Philippines, một nhóm vũ trang cũng đã thông báo ngừng bắn tạm thời vào ngày 24/3 vừa qua.
Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres hy vọng động thái này sẽ là "tấm gương" cho các nhóm vũ trang khác trên toàn thế giới nhằm giảm tiếng súng và đoàn kết để đối phó với mối đe dọa toàn cầu của đại dịch COVID-19./.