Liên hợp quốc đã thông qua khoản hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp 1 triệu USD dành cho các nạn nhân của vụ núi lửa La Soufriere phun trào ở Saint Vincent và Grenadines.
Cụ thể, ngày 15/4, Phó Tổng thư ký Mark Lowcock, chuyên trách điều phối các chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 1 triệu USD cho những người dân khu vực chịu ảnh hưởng của vụ núi lửa La Soufriere phun trào ngày 9/4.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cũng xác nhận khoản tiền trên sẽ giúp cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người chịu ảnh hưởng, đặc biệt là những người dân đã được sơ tán.
Trong thông báo mới, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết với khoản tiền trên các cơ quan của Liên hợp quốc sẽ phân phối nước uống và đồ dùng vệ sinh cho những người dân phải sơ tán cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sạch và hỗ trợ tiền mặt cho những người dân dễ bị tác động nhất.
[Núi lửa Merapi phun trào, gây ra luồng khí nóng bay xa 1.500m]
Cụm đảo Saint Vincent và Grenadines nằm ở phía Nam Carribe, gồm hơn 30 hòn đảo nhỏ nhưng chỉ có 9 đảo có người ở. Núi lửa La Soufriere, cao 1.234 m so với mặt nước biển, nằm ở cực Bắc của Saint Vincent và Grenadines và chiếm phần lớn diện tích của đảo Saint Vincent.
Ngày 9/4 vừa qua, núi lửa này bất ngờ phun trào lần đầu tiên kể từ năm 1979. Trước đó, hồi tháng 12/2020, núi lửa đã có những dấu hiệu hoạt động trở lại, phát ra những đợt khói và tiếng ồn.
Hiện các vụ phun trào vẫn xảy ra hằng ngày, gây ra những đám mây khói bụi bao phủ bầu trời Saint Vincent và các đảo xung quanh. Giới chức Saint Vincent và Grenadines cũng đã đóng cửa không phận sau khi núi lửa phun trào.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 20.000 người đã được sơ tán từ khu vực nguy hiểm xung quanh núi nửa, trong đó khoảng 4.500 người hiện đang ở các địa điểm tạm trú do chính quyền địa phương thiết lập trong khi nhiều người sơ tán cùng gia đình và bạn bè.
Theo OCHA, những người dân sinh sống gần núi lửa phải đương đầu với nguy cơ lớn từ những đợt tro bụi dày đặc và các dòng nham thạch, phá hủy mùa màng và nông cụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đàn vật nuôi.
Các nhà hoạt động nhân đạo lo ngại tình hình an ninh lương thực và tình trạng nghèo đói, vốn đã gây nhiều thách thức cho khu vực sau khi đại dịch bùng phát, sẽ diễn biến tồi tề hơn.
Riêng tại đảo Saint Vincent, hầu hết các hộ gia đình không có nước sử dụng và phần lớn trong tổng số 110.000 dân tại đây sinh sống ở những khu vực bị tro bụi núi lửa bao phủ.
Theo Liên hợp quốc, tùy thuộc vào sức gió, các vụ phun trào có thể gây ra những tác động về kinh tế và mô trường với những vùng xung quanh như Barbados, Antigua và Barbuda, Saint Lucia, Grenada, Saint Kitts và Nevis, Martinique và Guadeloupe.
Saint Vincent và Grenadines hiện là quốc gia nhỏ nhất tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với nhiệm kỳ 2 năm là thành viên không thường trực sẽ kết thúc vào tháng 12 tới./.