LHQ hỗ trợ Myanmar tăng an ninh lương thực và quản lý tài nguyên

FAO và Chính phủ Myanmar ký thỏa thuận lâu dài về phối hợp cải thiện vấn đề dinh dưỡng và an ninh lương thực ở nước này, đồng thời bảo vệ và quản lý bền vững việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
LHQ hỗ trợ Myanmar tăng an ninh lương thực và quản lý tài nguyên ảnh 1Người tị nạn Rohingya chờ đợi lương thực cứu trợ tại trại tị nạn Thankhali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 19/2, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) và Chính phủ Myanmar đã ký thỏa thuận lâu dài về phối hợp cải thiện vấn đề dinh dưỡng và an ninh lương thực ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời bảo vệ và quản lý bền vững việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Tại buổi ký kết thỏa thuận ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Trợ lý Tổng giám đốc, đồng thời là đại diện FAO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bà Ketthavi Kadiresan cho rằng khu vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua đa dạng hóa nông nghiệp và nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn.

Thỏa thuận trên là Hiệp định khung về chương trình nông thôn (CPF), sẽ giúp Chính phủ Myanmar đạt được 3 mục tiêu chính, bao gồm tăng cường an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; tăng cường quản trị và quản lý bền vững đất, rừng, tài nguyên nước và hệ sinh thái; tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng địa phương và các hộ nông dân trước các thảm họa tự nhiên và nhân đạo, biến đổi khí hậu và những rủi ro do các bệnh truyền nhiễm mới gây ra.

[Myanmar: Xung đột tại Kachin, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa]

Mặc dù Myanmar đã tự đảm bảo cung cấp được các loại lương thực chính, nhưng tình trạng mất an ninh lương thực theo mùa vẫn là mối lo ngại trên khắp đất nước này.

Tình trạng trên có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn do thời tiết bất thường và sự bất ổn xã hội ở nước này.

Trong khi đó, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Myanmar cũng đã được cải thiện nhanh chóng trong vài thập niên qua.

Tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ khoảng 40% trong thập niên 1990 xuống còn dưới 30% vào năm 2016, tuy nhiên, những cải thiện về tình trạng dinh dưỡng hiện đã chậm lại.

Cũng theo bà Kadiresan, với gần 1/3 trẻ em bị còi cọc, vẫn còn nhiều việc phải làm để Myanmar đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục