Ngày 9/3, Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất (LDC) tại Doha (Qatar) đã ghi nhận các cam kết hỗ trợ tổng trị giá 1,4 tỷ USD cho các nước này.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị ngày 5/3, Tổng Thư ký Guterres cho biết 46 quốc gia nghèo nhất thế giới cần hỗ trợ 500 tỷ USD/năm để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc - một kế hoạch nhằm chấm dứt nghèo đói và thúc đẩy y tế, giáo dục vào năm 2030.
Tại hội nghị, Saudi Arabia cam kết cung cấp các khoản vay trị giá 800 triệu USD, trong khi Đức cho biết sẽ tài trợ thêm 210 triệu USD và Liên minh châu Âu (EU) công bố các thỏa thuận đầu tư trị giá 135 triệu USD. Qatar thông báo sẽ cung cấp 60 triệu USD cho các dự án của Liên hợp quốc và Canada cung cấp 59 triệu USD cho nỗ lực duy trì và bổ sung vitamin cho các nước LDC.
Phát biểu họp báo kết thúc hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho rằng sau vài năm đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, những nước LDC đang bị tụt lại xa hơn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
[Việt Nam đưa ra đề xuất tại hội nghị về các nước kém phát triển nhất]
Theo bà, kế hoạch hành động được thông qua tại hội nghị có thể giúp các nước này trở lại lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển. Kế hoạch này bao gồm sáng kiến xây dựng một kho dự trữ lương thực cho các nước nghèo và tăng cường hỗ trợ để các nước này thu hút đầu tư.
Phó Tổng Thư ký Mohammed cho biết Liên hợp quốc đang hối thúc tất cả các nước, đặc biệt là Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nỗ lực hết sức để ủng hộ gói hỗ trợ nói trên.
Hội nghị LDC lần thứ 5 đã đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động Istanbul từ năm 2011, đề ra các định hướng, ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2023-2031 với quyết tâm và cam kết mới nhằm hỗ trợ các nước LDC sớm ra khỏi nhóm các nước kém phát triển và triển khai đúng lộ trình các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDG).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị quốc tế đang diễn ra nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và mang tính bước ngoặt, hội nghị đánh giá các nước LDC đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, nhất là khủng hoảng nợ do tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao, nguy cơ việc triển khai các SDG bị “chệch lộ trình," bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng, tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp./.