LHQ kêu gọi các bên nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, Liên hợp quốc "khuyến khích tất cả các bên liên quan nỗ lực gấp đôi" cùng nhau hướng tới thực thi trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
LHQ kêu gọi các bên nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric (trái) tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc ngày 3/12 kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tăng cường nỗ lực nhằm thực thi trở lại thỏa thuận mang tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh Liên hợp quốc "khuyến khích tất cả các bên liên quan nỗ lực gấp đôi cùng nhau hướng tới thực thi trở lại thỏa thuận này.”

Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh các cuộc đàm phán mới tại Vienna (Áo) về khôi phục JCPOA diễn ra từ đầu tuần này - sau khi gián đoạn từ tháng Sáu vừa qua - đã tạm dừng vào ngày 3/12 và dự kiến sẽ được nối lại vào giữa tuần sau.

Tham dự vòng đàm phán có các đoàn đàm phán từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, trong khi phái đoàn Mỹ tham dự gián tiếp thông qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU).

Theo hãng thông tấn ISNA của Iran, quyết định hoãn đàm phán ngày 3/12 nhằm tạo điều kiện để các nhà ngoại giao châu Âu xem xét các đề xuất của Iran.

[Iran đề xuất về các vấn đề chính trong đàm phán khôi phục JCPOA]

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng cách tiếp cận của Tehran trong các cuộc đàm phán tuần này không nhằm giải quyết các vấn đề hạt nhân, đồng thời khẳng định rằng có thể đạt được một giải pháp nếu Iran thực sự cam kết.

Iran ngày 2/12 thông báo đã gửi tới Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức và EU hai bản dự thảo đề xuất nhằm khôi phục JCPOA. Các đề xuất trên liên quan hai vấn đề gây khúc mắc chính trong thỏa thuận, đó là việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran và các cam kết hạt nhân của Iran.

Dự thảo đầu tiên nêu rõ các quan điểm của Iran đối với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này; dự thảo thứ hai là về các hoạt động hạt nhân của Iran. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri cho rằng các bên còn lại cần xem xét những tài liệu này và coi đây là cơ sở tham khảo chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Iran.

JCPOA được ký năm 2015, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đồng thời yêu cầu đàm phán lại về những điều khoản mà Washington cho là lỏng lẻo.

Tehran không chấp nhận yêu cầu này và Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Phía Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.

Trong vòng đàm phán mới, phía Iran ưu tiên việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước, trong khi phía Mỹ đặt lên hàng đầu yêu cầu Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.