Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng thực thi công lý cho những nạn nhân bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính phátxít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Phát biểu ngày 2/8 tại cuộc họp báo ở trụ sở của Liên hợp quốc tại New York, ông Al Hussein cho rằng thời gian sống còn lại của những nạn nhân của nạn nô lệ tình dục thời chiến tại Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc và một số quốc gia khác không còn nhiều, và họ "cần phải được thấy công lý được thực thi để bù đắp cho những nỗi thống khổ họ đã chịu đựng."
Ông nói: "Việc này cần phải được nhanh chóng thực hiện."
[Hàn Quốc chỉ trích tuyên bố của Nhật Bản về vấn đề "phụ nữ mua vui"]
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cũng bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản thể hiện thiện chí hơn nữa trong việc sửa lại những điều khoản của thỏa thuận năm 2015 đã ký với Hàn Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, các nạn nhân và Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã phản bác thỏa thuận giữa Tokyo và Seoul, khi đó do Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye lãnh đạo.
Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí rằng vấn đề "phụ nữ mua vui" (cách gọi được dùng tại Nhật Bản) đã khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi và nên được giải quyết một cách dứt điểm.
Chính quyền Tokyo đã xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên.
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in cho rằng đây là một thỏa thuận sai lầm và không phản ánh đúng những ý kiến của những "phụ nữ mua vui" còn sống.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Al Hussein cũng lưu ý rằng êkíp của chính quyền của bà Park Geun-hye đã không tham khảo ý kiến của các nạn nhân nô lệ tình dục khi đàm phán thỏa thuận trên với Nhật Bản.
Khoảng 400.000 phụ nữ trên toàn châu Á đã bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính phátxít Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2./.