Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 9/12, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi đã gửi thông điệp tới người dân Syria, kêu gọi bình tĩnh trong thời điểm xuất hiện thông tin cho rằng hàng triệu người tị nạn Syria đang cân nhắc khả năng hồi hương.
Trong thông điệp, ông Grandi chia sẻ: “Đây là cơ hội lớn để Syria tiến tới hòa bình và để người dân bắt đầu trở về nhà. Tuy nhiên, với tình hình vẫn còn chưa chắc chắn, hàng triệu người tị nạn cần đánh giá thận trọng mức độ an toàn trước khi thực hiện hành động đó… Cần kiên nhẫn và cảnh giác khi cân nhắc các lựa chọn.”
Hiện nay, các nước châu Âu đã tạm dừng xem xét đơn xin tị nạn của người Syria cho đến khi có thông báo mới.
Ông Grandi nhận định: “Quá trình chuyển tiếp cần tôn trọng quyền, cuộc sống và nguyện vọng của mọi người dân Syria, bất kể dân tộc, tôn giáo hay niềm tin chính trị. Điều này rất quan trọng để mọi người cảm thấy an toàn.”
Ông cũng cho biết thêm UNHCR sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia tổ chức những hoạt động hồi hương tự nguyện.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ mở cửa khẩu biên giới Yayladagi với Syria để quản lý quá trình hồi hương an toàn và tự nguyện của hàng triệu người di cư Syria đang lưu trú tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu sau cuộc họp nội các tại Ankara, ông Erdogan thông báo đang mở cửa khẩu biên giới Yayladagi để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn và thông thoáng giao thông.
Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quản lý việc xử lý đơn hồi hương tự nguyện của những người nhập cư theo cách phù hợp với mục đích tiếp đón của nước này.
Cửa khẩu Yayladagi gần rìa phía Tây Bắc của Syria, đã bị đóng cửa từ năm 2013 do giao tranh gần biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, đang tiếp nhận khoảng 3 triệu người di cư và tị nạn Syria, trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều người Syria nhất.
Ankara cũng kiểm soát nhiều vùng đất ở miền Bắc Syria sau một số cuộc tấn công qua biên giới nhằm vào lực lượng dân quân YPG người Kurd ở Syria, mà Ankara coi là sự mở rộng của nhóm Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Liên quan đến phản ứng của các nước về Syria, ngày 9/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi cho biết chính phủ nước này đang theo dõi sát diễn biến tình hình tại Syria với sự quan tâm sâu sắc, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại Trung Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng phát thông báo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại Trung Đông, nhất là Syria, đồng thời hy vọng tình hình bạo lực sẽ nhanh chóng chấm dứt để người dân nước này có thể được hưởng các quyền lợi cơ bản, quyền tự do và thịnh vượng.
Thông báo nhấn mạnh tương lai của Syria, vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông, phải do người Syria quyết định.
Các bên liên quan cần tôn trọng tối đa ý chí nguyện vọng của người dân Syria, đóng góp vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực.
Nhật Bản kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay bạo lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật nhân đạo quốc tế và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định Mỹ sẽ không để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng giai đoạn hiện nay để tái lập năng lực ở Syria.
Ông cũng khẳng định người dân Syria phải lựa chọn tương lai của mình, và những tuyên bố của phe đối lập về việc xây dựng nền quản trị toàn diện là đáng hoan nghênh, nhưng thước đo thực sự sẽ nằm ở hành động của họ, không chỉ ở lời nói./.
Các kịch bản cho tương lai Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad
Sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Assad tạo ra khoảng trống quyền lực ở một quốc gia mà các nhóm vũ trang, những kẻ cực đoan Hồi giáo và các thế lực nước ngoài đã tranh giành ảnh hưởng từ lâu.