LHQ lo ngại chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện

Taliban đã công bố thành phần chính phủ mới, trong đó tất cả các vị trí cấp cao đều do các thủ lĩnh của phong trào này và mạng lưới Haqqani - vốn được cho là nhánh cứng rắn nhất của phong trào này.
LHQ lo ngại chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện ảnh 1Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet phát biểu trong cuộc họp Hội đồng nhân quyền LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 13/9/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 13/9, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện, không bao gồm phụ nữ hay các đại diện từ các cộng đồng thiểu số.

Hồi tuần trước, Taliban đã công bố thành phần chính phủ mới, trong đó tất cả các vị trí cấp cao đều do các thủ lĩnh của phong trào này và mạng lưới Haqqani - vốn được cho là nhánh cứng rắn nhất của phong trào này.

Trong báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền tại Afghanistan trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, bà Bachelet nhấn mạnh hầu hết người dân quốc gia Tây Nam Á đều mong muốn chấm dứt tình trạng xung đột và chia rẽ đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Theo đó, người dân Afghanistan mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, ở quốc gia mà họ có thể đóng góp cho một hệ thống quản lý nhà nước khuyến khích vai trò của người phụ nữ, thanh niên, đoàn kết các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Trong báo cáo, bà Bachelet cũng nhấn mạnh Taliban cam kết sẽ áp dụng các quy định quản lý nhà nước "mềm dẻo hơn" so với giai đoạn cầm quyền trước đây.

Tuy nhiên, các thông tin mới mà văn phòng của bà nhận được phản ánh những cam kết trên chưa được thực hiện đầy đủ, khi nhiều phụ nữ và bé gái tiếp tục gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.

Cũng trong ngày 13/9, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani thông báo quốc gia vùng Vịnh đã yêu cầu lực lượng Taliban tôn trọng quyền của người phụ nữ, dẫn chứng các quốc gia Hồi giáo đã trao quyền chủ động cho phụ nữ.

[Cộng hòa Séc từ chối công nhận chính quyền mới của Taliban]

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian tại Doha, Ngoại trưởng Qatar cũng cho biết nước này đóng vai trò trung gian và đã đề nghị Taliban kết nối với cộng đồng quốc tế.

Ông này cũng khẳng định Qatar sẽ duy trì các chuyến bay từ sân bay Kabul. Về phần mình, ông Le Drian cũng thông báo còn hàng chục công dân nước này hiện đang ở lại Afghanistan. Paris phối hợp với Doha để tiếp tục sơ tán những người này.

Thời gian qua Qatar đóng vai trò trung gian giữa lực lượng Taliban và các nước trên thế giới. Hãng hàng không Qatar cũng thực hiện nhiều chuyến bay sơ tán công dân nước ngoài ra khỏi Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Sau khi Mỹ hoàn tất chiến dịch sơ tán vào ngày 30/8 và để Taliban tiếp quản sân bay Kabul, Qatar cũng đã tham gia hỗ trợ kỹ thuật và vận hành sân bay này.

Trong ngày 13/9, lần đầu tiên kể từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, các chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên đã lần lượt đến và đi từ sân bay Kabul, mở ra hy vọng cho những người muốn rời khỏi quốc gia này.

Đây là chuyến bay khứ hồi của của Hãng hàng không quốc tế Pakistan. Sau khi hạ cánh tại sân bay Kabul vào sáng 13/9 thì đến chiều cùng ngày, chiếc máy bay của Pakistan đã cất cánh rời khỏi Kabul chở theo 70 hành khách, chủ yếu là người Afghanistan là người thân của các nhân viên các tổ chức quốc tế.

Việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế được coi là bài thử quan trọng về mức độ cam kết của lực lượng Taliban trong việc cho phép người dân nước này rời đi nếu có đầy đủ giấy tờ.

Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Afghanistan, Mawlawi Abdul Hadi Hamdani, cho biết chính phủ nước này dự định sẽ sớm tiếp nhận các chuyến bay chở hàng viện trợ từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tuyên bố, ông Hamdani nói: “Các chuyến bay từ Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uzbekistan, Kazakhstan và Pakistan đã hạ cánh tại sân bay Kabul…

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo họ sẽ nối lại các chuyến bay tới sân bay Kabul trong những ngày tới để viện trợ cho người dân Afghanistan.”

Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov, xác nhận Moskva đang xem xét khả năng gửi thực phẩm và thuốc men tới Kabul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.