Ngày 16/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan De Mistura cho biết đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá có thể giành được hòa bình thông qua một hiến pháp toàn diện thời hậu chiến.
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế tại Doha, ông De Mistura nói: "Một bên có thể giành được lãnh thổ trong cuộc xung đột nhất là nếu họ nhận được sự hỗ trợ từ các nước bạn bè. Tuy nhiên, vấn đề là liệu họ có thể giành được hòa bình hay không."
Ông nhấn mạnh Syria đang bước vào giai đoạn tái thiết, tái khôi phục và đưa người tị nạn trở về quê hương; khẳng định hòa bình chỉ có thể trọn vẹn thông qua một hiến pháp toàn diện đáng tin cậy.
[Syria: Liên quân Mỹ không kích, nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng]
Ông De Mistura đang nỗ lực thành lập một ủy ban hiến pháp được Liên hợp quốc hậu thuẫn dự kiến gồm 150 thành viên, chia đều thành 3 nhóm - một nhóm do chính phủ lựa chọn, nhóm thứ hai do phe đối lập chọn và nhóm thứ ba do đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria chọn.
Ông De Mistura là Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề Syria kể từ tháng 7/2014, dự kiến chấm dứt trọng trách này vào cuối tháng 11, song ông đã đồng ý đảm nhiệm thêm 1 tháng nhằm thúc đẩy nỗ lực cuối cùng tiến tới thành lập ủy ban hiến pháp Syria.
Hồi tháng trước, ông De Mistura cho biết Liên hợp quốc vẫn mong muốn có thể gửi giấy mời cho các thành viên ủy ban vào giữa tháng 12 và triệu tập cuộc họp đầu tiên trước ngày 31/12 tới.
Lãnh đạo các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp cũng kêu gọi thành lập ủy ban hiến pháp Syria vào cuối năm nay.
Cùng ngày, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thảo luận với Trợ lý đặc biệt của Ngoại trưởng Iran về các vấn đề chính trị Hossein Jaberi Ansari đang ở thăm nước này về việc thành lập ủy ban hiến pháp Syria.
Trong cuộc gặp, ông Ansari đã thông báo cho Tổng thống Assad về công tác chuẩn bị tổ chức một cuộc họp Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tại Geneva, Thụy Sĩ, trong thời gian tới, sau thỏa thuận về cơ cấu cuối cùng của ủy ban hiến pháp Syria.
Ông Ansari nhấn mạnh Iran mong muốn phối hợp với Chính phủ Syria vốn rất linh hoạt trong việc đạt được thỏa thuận thành lập ủy ban này.
Về phần mình, Tổng thống Assad đã hoan nghênh những nỗ lực của Iran nhằm thành lập ủy ban hiến pháp Syria, bất chấp "những cản trở lớn do các nước hỗ trợ những phần tử khủng bố tạo ra."
Ông Assad cũng đề cao nỗ lực của Nga và Iran để ngăn chặn sự can thiệp của các nước phương Tây trong lộ trình chính trị của Syria thông qua việc hỗ trợ một tiến trình chính trị do người Syria đứng đầu mà không cần bất cứ hình thức can thiệp nào của nước ngoài.
Việc thành lập ủy ban hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở thành phố Sochi của Nga hồi tháng 1/2018.
Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã nhấn mạnh quyết tâm của Moskva hỗ trợ Syria vượt qua mọi bất ổn gây ra bởi cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm tại quốc gia Trung Đông này.
Trả lời phỏng vấn tờ al-Watan thân Chính phủ Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm kề vai sát cánh với Syria nhằm vượt qua mọi bất ổn mà nước này đã phải trải qua trong 7 năm qua."
Ông Bogdanov cũng cho biết tình hình kinh tế Syria hiện "không đơn giản", đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria về mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Theo ông Bogdanov, các thỏa thuận mới đây nhất giữa Nga và Syria giúp nâng tầm hợp tác kinh tế và thương mại lên cấp quan hệ chính trị, khi mà hai nước hợp tác về khía cạnh an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội.
Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra khi mà hồi tuần trước, tại thủ đô của Syria, Moskva đã ký kết một số thỏa thuận với chính quyền Damascus trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghiệp.
Trong khi đó, Đài truyền hình Ikhbariya của nhà nước Syria ngày 16/12 đưa tin, ít nhất 17 dân thường đã thiệt mạng sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích vào các vùng lãnh thổ gần thành phố Hajin thuộc tỉnh Deir ez-Zor của nước này.
Theo đài trên, cuộc không kích đã đánh vào làng Albu Khater, trong khi tờ al-Watan nêu cụ thể rằng đa số những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thường xuyên tiến hành nhiều cuộc không kích vào thành phố Hajin cũng như các khu vực lân cận, viện cớ trợ giúp Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cuộc xung đột ở Syria, bùng phát từ tháng 3/2011, đã cướp đi sinh mạng của hơn 360.000 người, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều nước khác.
Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm./.