LHQ nhận định về sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo Liên hợp quốc, cam kết của các nước châu Á hướng tới các nền kinh tế có lượng khí thải cácbon giảm sẽ là rất quan trọng bởi nơi đây đang thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.
LHQ nhận định về sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1Khói mù ô nhiễm bao phủ Sydney, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự thành công hay thất bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở châu Á, nơi nhu cầu về năng lượng ngày một gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người, bà Rachel Kyte, ngày 2/8 đã đưa ra nhận định trên trước thềm hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì sắp diễn ra vào tháng Chín.

Phát biểu với báo giới, bà Rachel Kyte nói: "Cam kết của các nước châu Á hướng tới các nền kinh tế có lượng khí thải cácbon giảm sẽ là rất quan trọng. Thực sự tại khu vực này, chúng ta sẽ thành công hay thất bại trong việc chuyển đổi năng lượng để có thể đáp ứng được các mục tiêu về biến đổi khí hậu."

Bà Kyte đưa ra nhận định trên trong bối cảnh ở châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, đang là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới.

Dân số gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa đồng nghĩa với việc nhu cầu về điện tại khu vực này ước tính tăng gấp 3 lần từ năm 2015 đến năm 2040.

[Nguy cơ các nước Nam và Đông Nam Á lỡ hẹn với mục tiêu Hiệp định Paris]

Trong khi đó, ông Luis Alfonso de Alba, đặc phái viên của Liên hợp quốc về hành động khí hậu, cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hoàn toàn tương ứng với cuộc chiến chống nghèo đói.

Ông nói: "Có nhiều cơ hội, đặc biệt là cho những người sẽ đi đầu giai đoạn chuyển đổi năng lượng chắc chắn xảy ra này."

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng Chín.

Hội nghị này được cho là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu không thể đảo ngược sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2016.

Hội nghị được mong chờ là đạt được cam kết của các nước về giảm hoàn toàn lượng khí thải cácbon vào năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục