LHQ: Tấn công vào khu vực dân cư ở Libya là tội ác chiến tranh

Đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salame, người đồng thời là trưởng phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Libya, lên án việc sử dụng vũ khí, chất nổ tấn công vào khu vực dân cư, là tội ác chiến tranh.
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại ngoại ô Tripoli ngày 12/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, ông Ghassan Salame, đã kêu gọi các phe phái giao tranh ở Libya ngừng tấn công, vì tính mạng của 3 triệu người dân đang sống ở thủ đô Tripoli.

Lời kêu gọi được đưa ra ngày 17/4 sau khi đạn pháo hạng nặng bắn liên tiếp vào khu vực đông dân ở thủ đô Tripoli của Libya suốt đêm 16/4 làm 14 người thiệt mạng và 40 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Tướng Khalifa Haftar, thủ lĩnh lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền miền Đông, đã phát động đợt tấn công 2 tuần nhằm chiếm thủ đô Tripoli.

Trong một thông cáo báo chí, Đặc phái viên Salame, người đồng thời là trưởng phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Libya, lên án việc sử dụng vũ khí, chất nổ tấn công vào khu vực dân cư, là tội ác chiến tranh.

Ông kêu gọi các bên giao tranh tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và quyền con người cũng như sự cần thiết phải tiến hành tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo của văn phòng điều phối viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, tình trạng người dân mất chỗ ở đã đến mức báo động nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Hiện tổng số người bị mất chỗ ở lên tới 25.000 người.

Ngoài ra, khoảng 820.000 người, trong đó có khoảng 250.000 trẻ em đang cần hỗ trợ khẩn cấp.

[Giao tranh ác liệt tại Tripoli, Liên hợp quốc sơ tán người tị nạn]

Văn phòng hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Libya đã chuyển những người tị nạn khỏi trại Abusliem ở khu vực giao tranh, và tiếp tục nỗ lực để đảm bảo tuyến đường an toàn cho người dân và hàng hóa, dịch vụ cứu trợ y tế.

Tính đến ngày 16/4, Liên hợp quốc đã cấp được hàng viện trợ nhân đạo tới 6.000 người. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động cứu trợ ở Libya hiện còn thiếu khoảng 190 triệu USD.

Thống kê sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 17/4 cho biết đến nay, tổng cộng 189 người đã thiệt mạng và 816 người bị thương trong các vụ giao tranh xung quanh thủ đô Tripoli giữa LNA với lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.

Bên cạnh số thương vong kể trên, khoảng 18.000 người đã phải sơ tán để tránh bạo lực. WHO và các đối tác đang điều phối các đội y tế lưu động đến những trại tị nạn để hỗ trợ các bệnh nhân.

WHO nhận định số người thương vong cũng như những người cần trợ giúp sẽ tiếp tục tăng lên thời gian tới, gây áp lực nhất định cho các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Cùng ngày 17/4, Đức đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp về tình hình Libya, sau khi đàm phán về dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Tripoli không đi đến thỏa thuận.

Theo phái bộ Đức, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp kín trong ngày 18/4 để “thảo luận về những bước đi tiếp theo."

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chia rẽ giữa các cường quốc hiện nay đang ngày càng sâu sắc. Anh đã đưa ra một dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và giảm căng thẳng ngay lập tức.

Tuy nhiên, Nga bày tỏ quan ngại về những ngôn từ chỉ trích chiến dịch tấn công của Tướng Haftar là mối đe dọa đối với sự ổn định của Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục