Ngày 7/8, Ngoại trưởng Liban Charbel Wehbe tuyên bố một tòa án binh nước này sẽ mở cuộc điều tra nhằm xác định và truy cứu trách nhiệm của những người liên quan đến vụ nổ kinh hoàng vào đêm 4/8 ở cảng thủ đô Beirut.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al Mayadeen, Ngoại trưởng Wehbe nêu rõ: "Tòa án binh sẽ triển khai mọi cuộc điều tra cần thiết liên quan tới thảm họa nhằm tìm ra những đối tượng phải chịu trách nhiệm."
Ông Wehbe cho biết kết quả điều tra dự kiến được công bố trong "những ngày tới."
Cũng theo Ngoại trưởng Liban, việc có cần tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài trong cuộc điều tra hay không là do giới chức tư pháp Liban quyết định.
Hiện ông Wehbe đã liên lạc với ngoại trưởng của hơn 30 nước và tất cả những quan chức này đều bày tỏ sẵn sàng gặp ông.
Trong khi đó, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đang có kế hoạch triển khai Nhóm chuyên gia ứng phó sự cố (IRT) tới thủ đô Beirut theo đề nghị của giới chức Liban.
Thông báo cùng ngày của Interpol nêu rõ nhóm IRT sẽ bao gồm các chuyên gia nhận dạng nạn nhân thảm họa (DVI), những người sẽ trợ giúp tại hiện trường.
[Liban bắt giữ 16 người để điều tra về vụ nổ tại Beirut]
Tổng Thư ký Interpol Juergen Stock cho rằng kinh nghiệm của Interpol có thể hỗ trợ đáng kể cho giới chức nước sở tại, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục trợ giúp các vấn đề cần thiết được Liban đề nghị.
Cùng ngày, người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ yêu cầu điều tra nào về vụ nổ ở cảng Beirut của Liban.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu với báo giới, ông Farhan Haq nêu rõ Liên hợp quốc sẵn sàng xem xét nếu nhận được yêu cầu mở cuộc điều tra từ phía Liban, song đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được lời yêu cầu nào.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Liban Michel Aoun đã bác bỏ việc mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ như lời kêu gọi của người dân Liban cũng như lãnh đạo các nước trên thế giới, với lý do một cuộc điều tra quốc tế sẽ "bóp méo" sự thật.
Ông cho biết nguyên nhân vụ nổ ở cảng Beirut là do một hành động bất cẩn, tắc trách, hoặc cũng có thể do một vụ tấn công tên lửa. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Liban để ngỏ khả năng cảng này bị tấn công.
Các hóa chất, được lưu trữ tại cảng Beirut trong nhiều năm, đã phát nổ vào ngày 4/8 vừa qua gây ra thảm họa thời bình tồi tệ nhất tại Liban.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ nổ đã làm ít nhất 154 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương, phá hủy nhiều khu dân cư, gây thiệt hại cho nước này ước chừng hơn 3 tỷ USD.
Hiện cộng đồng quốc tế đang tiếp tục chung tay giúp Liban khắc phục hậu quả. Theo ông Farhan Haq, Liên hợp quốc đang giải ngân 6 triệu USD để viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân vụ nổ đang được chữa trị tại bệnh viện, cũng như cho công tác tái thiết sau thảm họa.
Trước đó, Quỹ Nhân đạo Liban thuộc Liên hợp quốc cũng đã giải ngân 9 triệu USD để hỗ trợ nước này sau vụ nổ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang huy động thêm 15 triệu USD cho cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này.
Vụ nổ ở cảng Beirut đã phá hủy 17 container vật tư y tế thiết yếu của WHO cùng nhiều trang thiết bị bảo hộ khác.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang cung cấp 5.000 gói thực phẩm tới các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ nổ ở Liban. Mỗi gói thực phẩm này đủ dùng cho hộ gia đình 5 người trong một tháng.
Cùng ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tham gia một hội nghị trực tuyến quốc tế, dự kiến diễn ra ngày 9/8, nhằm thảo luận việc viện trợ cho Liban.
Tham gia hội nghị này có các nhà lãnh đạo của Liban, Pháp và nhiều nước khác. Cũng theo ông Trump, 3 máy bay cỡ lớn của Mỹ chở nguồn cung y tế, thực phẩm và nước uống cùng đội ngũ y, bác sỹ đã lên đường tới Liban./.