Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Lễ Ký kết "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế" giữa hai Bộ.
[Nông dân Sóc Trăng không tiêu thụ được nông sản]
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng cũng đã đánh giá lại công tác phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong suốt thời gian qua.
Theo đó, công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.
Đặc biệt, trong công tác phối hợp tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường; xây dựng phương án, nội dung đàm phán mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức kết nối cung-cầu tiêu thụ...
Dù vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng gặp nhiều rủi ro và khó khăn, dẫn đến chi phí tăng, thời gian kéo dài làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực từ những sự kiện bất ổn chính trị, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistics gia tăng...
Do vậy, bên cạnh các giải pháp vẫn được triển khai thực hiện như trước đây như gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói...
Việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ các FTA, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong thời gian qua liên bộ đã phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương có những sản phẩm nông sản, như: trái vải, trái mận, trái thanh long… để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã chủ trương tập trung vào loại hình thương mại điện tử để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Dù vậy, ông đề nghị trong dài hạn, cơ quan chức năng cần phải có quy hoạch tốt hơn đối với cây trồng, vật nuôi, cũng như tìm hiểu kỹ hơn về thị trường cả trong nước và quốc tế, để từ đó các sản phẩm có sự phát triển bền vững trong tương lai…
Nhằm triển khai Chương trình này, lãnh đạo hai bộ đã giao các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như: Công nghiệp hóa nông nghiệp; Thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; Đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường; Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản; Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Điện khí hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
“Chương trình phối hợp giữa hai Bộ được ký kết sẽ phát huy vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ và tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc nhằm triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian tới, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của hai Bộ được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân," đại diện Bộ Công Thương cho hay./.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 37,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. |