Liên đoàn Arab ủng hộ giải pháp hai nhà nước Palestine, Israel

Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 28 của Liên đoàn Arab (AL) ngày 29/3 đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột kéo dài Israel-Palestine.
Liên đoàn Arab ủng hộ giải pháp hai nhà nước Palestine, Israel ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Liên đoàn Arab (AL). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 28 của Liên đoàn Arab (AL), diễn ra ngày 29/3 tại Biển Chết của Jordan, đã kết thúc vào chiều tối 29/3 (theo giờ địa phương), với việc các nhà lãnh đạo Arab ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel.

Các nhà lãnh đạo AL đồng thời kêu gọi các thành viên của khối vượt qua những bất đồng để chung sức giải quyết các cuộc khủng khoảng trong khu vực, trong đó có cuộc chiến tranh ở Syria và Yenem, cũng như cuộc chiến chống khủng bố.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, tại Hội nghị AL, giới lãnh đạo Arab đã vượt qua những bất đồng và đạt được nhận thức chung về một loạt vấn đề khu vực.

Tuyên bố chung của Hội nghị kêu gọi thúc đẩy một vòng đàm phán hòa bình mới dựa trên giải pháp hai nhà nước và sáng kiến hòa bình 2002, cũng như thỏa thuận về người tị nạn Palestine đã được các bên nhất trí. Lãnh đạo các nước Arab tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước cũng như quyền của Nhà nước Palestine khôi phục chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem.

Đây là mục tiêu lâu dài của khối Arab nhưng đã bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hoài nghi.

Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng hồi tháng trước, ông Trump nói rằng ông để ngỏ giải pháp một nhà nước đối với xuộc xung đột Palestine-Israel. Thế giới Arab nói chung và người Palestine nói riêng muốn Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của người Palestine, bao gồm Bờ Tây hiện do Israel chiếm đóng và Dải Gaza. Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ này trong một động thái không được quốc tế công nhận.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh AL, Quốc vương Jordan Abdullah tuyên bố hòa bình sẽ không được lập lại tại Trung Đông mà không có sự ra đời của Nhà nước Paletine theo giải pháp hai nước. Đây là cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa khối Arab và Israel.

Quốc vương Abdullah cho rằng nước láng giềng Israel đang phá hoại các cơ hội hòa bình thông qua việc tăng cường xây dựng các khu định tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine.

Ông Abdullah nhấn mạnh: "Israel đang mở rộng các khu định cư và hủy hoại các cơ hội hòa bình. Khu vực sẽ không có hòa bình và ổn định nếu không có một giải pháp công bằng và toàn diện cho sự nghiệp của người Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước." 

Nhấn mạnh rằng đoàn kết là nền móng an ninh quốc gia của thế giới Arab, tuyên bố chung bác bỏ sự can thiệp của Iran vào các vấn đề nội bộ của các nước Arab và kêu gọi nước này ngừng kích động chủ nghĩa bè phái trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Arab khẳng định tiếp tục ủng hộ Sáng kiến Hòa bình Arab đề xuất các nước Arab công nhận Israel, đổi lại Nhà nước Do Thái rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, mở đường cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Tuyên bố cũng bác bỏ các hành động di chuyển đại sứ quán nước ngoài từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Tuyên bố nêu rõ cuộc khủng hoảng Yemen cần phải được giải quyết theo Sáng kiến do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất, Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các kết quả cuộc đối thoại Yemen. Hội nghị cũng kêu gọi tạo điêu kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho ngươi dân tại Yemen. Giới lãnh đạo Arab cũng khẳng định ủng hộ liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp giúp khôi phục chính quyền hợp pháp của Yemen.

Về cuộc chiến tranh Syria, các nhà lãnh đạo AL tuyên bố một giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất cho vấn đề Syria và kêu gọi các quốc gia tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Syria hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn. Liên quan đến cuộc xung đột Libya, lãnh đạo các nước AL bác bỏ bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài tại nước này, cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya cần phải dựa trên cơ sở thỏa thuận hòa giải dân tộc mà các bên đã đạt được tại thành phố Skhirat của Marocco hồi cuối năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.