Với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập,” Liên hoan phim Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 23-27/11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Những tác phẩm phim truyện được chọn tham gia dự thi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (năm 2019) cho thấy dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt trong thời gian qua trên nhiều mặt: chủ động hội nhập, đổi mới góc tiếp cận, đa dạng hóa dòng phim…
Sự trở lại của phim nhà nước
Cụ thể, có 16 bộ phim truyện thuộc nhiều thể loại khác nhau (phim hành động, hài, giả tưởng, tình cảm…) tham gia tranh giải Bông Sen Vàng năm nay.
Một trong những điểm mới của liên hoan lần này so với kỳ tổ chức trước là sự trở lại của những bộ phim được sản xuất từ nguồn vốn của nhà nước: “Hợp đồng bán mình,” “Nơi ta không thuộc về,” “Truyền thuyết về Quán Tiên” và “Thạch Thảo.”
Trong số đó, “Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) được kỳ vọng trở thành bộ phim đề tài lịch sử thu hút sự chú ý của khán giả trẻ khi được chiếu phổ biến. Trước đó, bộ phim này đã có buổi chiếu ra mắt khán giả Hà Nội vào tối 12/11 trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam 2019.
Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn “Huyền thoại về Quán Tiên” của nhà văn Xuân Thiều. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong tại một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Họ vừa phải chiến đấu với kẻ thù, bom đạn vừa phải đối mặt với những khao khát bản năng của con người giữa rừng thiêng, nước độc…
[Điện ảnh Việt đến Liên hoan phim Busan: Dấu ấn của các đạo diễn trẻ]
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, bằng việc kết hợp giữa các yếu tố thực và ảo, bản năng và ý thức, tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều đã cho người đọc một cách nhìn toàn diện, nhân văn về cuộc sống của những người lính. Điều đó không làm mờ đi phẩm chất anh hùng trong kháng chiến mà giúp hình tượng người lính được nhìn nhận đa chiều, tránh được sự khiên cưỡng, cứng nhắc.
“Tôi và êkíp sản xuất mong muốn tái hiện chân thực những tháng ngày gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn trọng điểm. Với họ, sự khổ cực, hiểm nguy, liên tục cận kề với cái chết cũng không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm. Điều đó đã đẩy họ vào những day dứt, giằng xé nội tâm sâu sắc,” đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bày tỏ.
Bên cạnh đó, phim tư nhân vẫn chiếm số lượng áp đảo trong danh sách phim dự thi với “Khi con là nhà,” “11 niềm hy vọng,” “Người bất tử,” “Tháng năm rực rỡ,” “Song Lang,” “100 ngày bên em,” “Anh thầy ngôi sao,” “Lật mặt: Nhà có khách,” “Cua lại vợ bầu,” “Hạnh phúc của mẹ,” “Hai Phượng” và “Thưa mẹ con đi.”
Trong số đó, có nhiều tác phẩm đã từng đại diện Việt Nam tham dự các liên hoan phim nước ngoài như “Song Lang” (dự Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2018), “Người bất tử” (tham gia Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2019), “Thưa mẹ con đi” (dự Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019)...
Bên cạnh thị trường trong nước, một số tác phẩm đã được phát hành ở nước ngoài như “Hai Phượng” (chiếu ở Mỹ, Canada…), “Lật mặt: Nhà có khách” (chiếu ở Mỹ, Australia…)…
“Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nguồn năng lượng, sức sáng tạo và tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của các nhà làm phim trẻ hiện nay. Họ đã chủ động đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của thế giới,” nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ.
“Không gượng ép phải có Bông Sen Vàng”
Danh sách phim dự thi cho thấy dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt trong những năm gần đây. “Lật mặt: Nhà có khách” tạo được sức hút nhờ kết hợp giữa yếu tố kinh dị và hài hước của thể loại ma hài - một thể loại phim đã vắng bóng từ lâu trên thị trường điện ảnh Việt.
Trong khi đó, sự thành công của “Hai Phượng” đã mang đến “làn gió” mới cho điện ảnh Việt dịp đầu năm 2019, góp phần làm đa dạng hóa các dòng phim trong nước. Bởi lẽ, thời gian qua, điện ảnh Việt rơi vào trạng thái “một màu” khi phần lớn những bộ phim mới ra mắt đều thuộc dòng phim rom-com (phim hài tình cảm).
Tuy nhiên, danh sách phim dự thi cũng cho thấy sự thiếu cân bằng của thị trường điện ảnh. Những tác phẩm đạt doanh thu cao (“Hai Phượng” thu khoảng 200 tỷ đồng, “Cua lại vợ bầu” thu gần 192 tỷ đồng, “Lật mặt: Nhà có khách” đạt gần 120 tỷ đồng...) đều là những tác phẩm thuộc thể loại phim hành động, giải trí. Kịch bản đôi chỗ còn lỏng lẻo, diễn xuất của diễn viên chưa đồng đều.
Những phim được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật, chất lượng nội dung (như “Song Lang,” “Thưa mẹ con đi”…) lại thiếu yếu tố hút khách, không đạt doanh thu cao. “Song Lang” gây ấn tượng bởi những khung hình đẹp, góp phần tái hiện thời kỳ vàng son của bộ môn nghệ thuật cải lương.
“Thưa mẹ con đi” thể hiện góc tiếp cận mới khi khai thác đề tài về cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Phim không tiếp cận chuyện tình giữa hai người đồng tính trên phông nền gai góc với những biến cố dữ dội. Thay vào đó, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chọn cách xoáy sâu vào cơn sóng lòng của nhân vật (bị giằng xé giữa tình yêu và áp lực lấy vợ, sinh con theo kỳ vọng của gia đình).
Những phim còn lại (“100 ngày bên em,” “Anh thầy ngôi sao,” “11 niềm hy vọng”…) không gây được tiếng vang, ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định ban tổ chức sẽ không có sự ưu ái nào (trong tất cả các khâu: duyệt phim, chấm điểm…) đối với phim do nhà nước sản xuất so với phim tư nhân.
“Điều đó nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch, uy tín của Liên hoan phim Việt Nam đồng thời khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của các nhà làm phim. Ngoài ra, ban chỉ đạo, ban tổ chức liên hoan thống nhất không gượng ép phải trao Bông Sen Vàng nhằm đảm bảo chất lượng của liên hoan phim. Tất cả giải thưởng phải có tính thuyết phục, căn cứ trên chất lượng phim. Ở tất cả các hạng mục, yếu tố chất lượng phải được đặt lên hàng đầu,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết./.