Ngày 19/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo bạo lực tình dục trong xung đột là một thủ đoạn chiến tranh, khủng bố người dân và gây bất ổn xã hội.
Hậu quả của bạo lực tình dục trong xung đột có thể lặp lại qua các thế hệ thông qua sự kỳ thị, chấn thương, nghèo đói, tổn hại sức khỏe và vấn đề mang thai ngoài ý muốn.
Trong thông điệp nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực tình dục trong xung đột hôm 19/6, người đứng đầu Liên hợp quốc mô tả bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột là mối đe dọa an ninh tập thể và là vết nhơ đối với loài người. Đồng thời, ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của những nạn nhân sống sót đã trải qua bạo lực tình dục trong xung đột.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực tình dục trong xung đột cũng là dịp vinh danh những người ở mặt trận tiên phong trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân xây dựng lại cuộc sống của họ.
[Việt Nam ủng hộ ngăn ngừa, chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột]
Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ nạn nhân của bạo lực tình dục trong xung đột chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên nam giới cũng có thể là nạn nhân của loại bạo lực này. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần thể hiện phản ứng ở quy mô toàn cầu, với nhiều hành động phối hợp hơn để đảm bảo thủ phạm gây ra bạo lực tình dục phải chịu trách nhiệm.
Ông Guterres cũng kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để các nạn nhân có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, công lý và được bồi thường.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột cùng lên án, khẳng định bạo lực tình dục trong xung đột là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng với những hậu quả nặng nề về thể chất, tâm lý và xã hội; cản trở sự phát triển kinh tế, sự gắn kết xã hội cũng như hòa bình và an ninh bền vững.
Liên hợp quốc và EU cam kết tăng cường công tác phối hợp trong phòng ngừa, bảo vệ và truy tố các thủ phạm, cũng như hỗ trợ toàn diện cho những nạn nhân sống sót để giảm thiểu rủi ro bị tẩy chay, kỳ thị và trả thù; giúp họ xây dựng lại cuộc sống và tạo công ăn việc làm nhằm tái hòa nhập gia đình và cộng đồng./.