Liên hợp quốc cảnh báo lỗ hổng an ninh tại hàng loạt quốc gia

Ngày 5/7, ITU cảnh báo lỗ hổng an ninh mạng tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, vẫn còn cách biệt giữa các nước về nhận thức và khả năng triển khai các chiến dịch và chương trình phù hợp.
Liên hợp quốc cảnh báo lỗ hổng an ninh tại hàng loạt quốc gia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Ngày 5/7, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo lỗ hổng an ninh mạng tồn tại ở hàng loạt quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, ITU cho rằng vẫn còn cách biệt giữa các nước về nhận thức và khả năng triển khai các chiến dịch và chương trình phù hợp.

Theo ITU, bước đi quan trọng đầu tiên là thông qua một chiến lược an ninh quốc gia, song 50% các quốc gia trên thế giới vẫn chưa làm được điều này.

[Tin tặc gây thiệt hại cho kinh tế Australia khoảng 1 tỷ USD mỗi năm]

Trong báo cáo "Chỉ số an ninh mạng toàn cầu" của ITU, Singapore đứng vị trí đầu bảng, tiếp sau là Mỹ. Nằm trong top 10 gồm Malaysia, Oman, Estonia, Mauritius, Australia, Georgia, Pháp và Canada.

Nga xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng, Ấn Độ đứng thứ 25, Đức 24 và Trung Quốc 34.

Trong số các quốc gia được xếp hạng cao hơn sự phát triển kinh tế có Triều Tiên (57), cao hơn 3 bậc so với quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn là Tây Ban Nha. Đứng cuối bảng xếp hạng là Guinea Xích đạo.

Tiêu chí xếp hạng của ITU dựa trên năng lực nghiên cứu và đào tạo của các thể chế kỹ thuật và sự hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ thông tin.

Cùng ngày, công ty phát triển phần mềm Intellect Service của Ukraine, vốn là tâm điểm trong vụ tấn công mạng toàn cầu hồi tuần trước, cho biết các máy tính sử dụng phần mềm kế toán của hãng này đều bị tấn công bởi một mã độc "ngầm" do các tin tặc cài đặt.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành của Intellect Service, bà Olesya Bilousova, cho biết mã độc này được cài đặt ở tất cả các máy tính không hoạt động độc lập ở thời điểm xảy ra vụ tấn công mạng.

Cảnh sát Ukraine đã thu giữ các máy chủ sử dụng phần mềm kế toán M.E.Doc do Intellect Service phát triển và cài đặt lại các máy này ở chế độ hoạt động độc lập.

Trước đó, cảnh sát khuyến cáo người dùng tắt tất cả các máy tính cài đặt M.E.Doc, phần mềm kế toán phổ biến nhất tại Ukraine với khoảng 1 triệu máy tính hiện sử dụng.

Trước đó cùng ngày, Bộ Nội vụ Ukraine xác nhận cảnh sát nước này đã ngăn chặn thành công một vụ tấn công mạng thứ hai sau vụ tấn công mạng toàn cầu khởi nguồn từ quốc gia này ngày 27/6 vừa qua.

Vụ tấn công mới nhất xảy ra đầu giờ chiều 4/7 và được lập trình để phát tán mạnh nhất vào khoảng 16 giờ cùng ngày.

Tuy nhiên, cảnh sát mạng đã chặn đứng hoạt động phát tán mã độc qua thư điện tử và hoạt động kích hoạt virus từ các máy chủ.

Đây là đợt tấn công mới nhất sau vụ tấn công mạng toàn cầu bằng mã độc "ExPetr" khiến nhiều hệ thống máy tính của các công ty lớn trên toàn cầu bị tê liệt hôm 27/6 vừa qua.

Ngoài các tổ chức bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Nga và Ukraine, mã độc cũng gây ra các cuộc tấn công khác ở Ba Lan, Italy, Anh, Đức, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Hiện các chuyên gia vẫn đang truy tìm thủ phạm đứng sau. Giới phân tích cho rằng mục đích chính của vụ tấn công là cài phần mềm độc hại vào các máy tính của những cơ quan nhà nước và tổ chức thương mại Ukraine nhằm phá hoại ngầm những hệ thống này, thay vì mục đích tống tiền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục