Ngày 6/4, nhiều nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đề xuất một dự thảo nghị quyết mang tính thỏa hiệp mới, trong đó yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra toàn diện vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria mới đây.
Tuy nhiên, nỗ lực này tiếp tục gặp thất bại sau khi 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an không đạt được đồng thuận.
Cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc đã tiến hành thảo luận về ba dự thảo nghị quyết riêng rẽ liên quan đến vụ tấn công trên tại Syria, trong đó có dự thảo mang tính thỏa hiệp mới nhất trên. Tuy nhiên, cả ba văn bản này đều không được đem ra bỏ phiếu trong bối cảnh các thành viên vẫn còn bất đồng quan điểm.
Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà ngoại giao Anh Stephen Hickey cho biết Hội đồng Bảo an sẽ không bỏ phiếu về các dự thảo nghị quyết trong ngày 6/4 song sẽ tiếp tục đàm phán.
Trong khi đó, nhà ngoại giao Thụy Điển Carl Skau nhấn mạnh các nước vẫn đang nỗ lực để đạt được sự nhất trí về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án, thúc đẩy các cuộc điều tra cũng như truy cứu trách nhiệm trong vụ tấn công trên.
Trước đó, 10 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an đã đưa ra một dự thảo nghị quyết mang tính thỏa hiệp, trong đó loại bỏ yêu cầu Chính phủ Syria cung cấp các thông tin về các hoạt động quân sự của nước này vào ngày xảy ra vụ tấn công ở Idlib, Tây Bắc Syria vừa qua, mà thay vào đó là hối thúc sự hợp tác trong việc điều tra vụ việc trên.
Đây cũng là dự thảo nghị quyết thứ 3 được đưa ra thảo luận trước Hội đồng Bảo an liên quan đến vụ tấn công thảm khốc tại Syria vừa qua, khiến ít nhất 86 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, và hơn 500 người bị thương.
Hôm 5/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã phải hoãn bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ soạn thảo liên quan đến vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học trên.
Dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ soạn thảo có nội dung lên án vụ tấn công và đề nghị tiến hành điều tra toàn diện sớm nhất có thể. Dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra vụ tấn công, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres báo cáo hàng tháng về sự hợp tác của Chính phủ Syria liên quan cuộc điều tra quốc tế này.
Trong khi đó, phía Nga lại đưa ra một dự thảo nghị quyết đối lập mà nội dung trong đó hoàn toàn không đề cập đến yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác với cơ quan điều tra vụ tấn công. Trước đó, Nga chỉ trích dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp Mỹ là nhằm chống Syria và có khả năng làm gia tăng căng thẳng tình hình chính trị và quân sự vốn đã phức tạp trong khu vực.
Với quan điểm đối lập giữa bộ ba Anh, Pháp, Mỹ và Nga, nhiều khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm năm nước thường trực Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc khó có thể thông qua một nghị quyết về tình hình Syria hiện nay. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo quy định, một dự thảo nghị quyết muốn được thông qua phải cần chín phiếu bầu và không có ủy viên thường trực nào bỏ phiếu chống./.