Liên hợp quốc đánh giá cao thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc

Thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc được ký ngày 12/11 tại Bắc Kinh được đánh giá là văn kiện đánh dấu sự đột phá trong hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc đánh giá cao thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc ảnh 1Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phía nam bang Florida (Mỹ) có thể chìm trong nước vào cuối thế kỷ 21 do hiện tượng nóng lên toàn cầu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc được ký ngày 12/11 tại Bắc Kinh được đánh giá là văn kiện đánh dấu sự đột phá trong hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, có thể tạo ra bước ngoặt tích cực cho tiến trình đàm phán quốc tế về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Người đứng đầu Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Christiana Figueres hoan nghênh thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung là động lực mở đường cho một thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại vòng đàm phán Paris (Pháp) vào cuối năm 2015.

Theo quan chức trên, thỏa thuận sẽ thúc đẩy tất cả các nền kinh tế lớn và các nước công nghiệp phát triển tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế gới, lần lượt chiếm 25% và 15% tổng lượng khí phát thải toàn cầu.

Việc hai nước ký thỏa thuận khí hậu sau nhiều năm kiên quyết không tham gia Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích tích cực cho vòng đàm phán ở Paris, đặc biệt khi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước cũng đã cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 40% lượng khí thải so với mức của năm 1990.

Đối với riêng Tổng thống Mỹ Barack Obama, thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung là thông điệp chứng tỏ quyết tâm của ông trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Thỏa thuận cũng được nhìn nhận như một động thái chứng tỏ ảnh hưởng của Tổng thống Obama đối với thế giới, bất chấp quyền lực có thể bị thu hẹp phần nào sau thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua.

Các nguồn tin xác nhận đây là thỏa thuận không mang tính ràng buộc và cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Trong động thái phản bác Tổng thống, phe Cộng hòa cảnh báo thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt tại Quốc hội khóa mới.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, một thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa, cho rằng thỏa thuận là một dấu hiệu nữa cho thấy tổng thống không quan tâm đến những ảnh hưởng đối với thị trường việc làm trong nước.

Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, người có nhiều triển vọng sẽ làm thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện khóa mới, cũng bày tỏ thất vọng khi thỏa thuận không yêu cầu Trung Quốc phải làm bất cứ điều gì trong suốt 16 năm tới.

Những tuyên bố trên của các thủ lĩnh phe Cộng hòa báo hiệu cuộc đấu quyết liệt sắp tới giữa Nhà Trắng và Quốc hội về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Boehner lưu ý Hạ viện đã thông qua một số dự luật nhằm cản trở các quy định của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) được Nhà Trắng sử dụng trong các nỗ lực giảm khí thải.

Mặc dù các dự luật này đang bị "ách" lại tại Thượng viện hiện nay song phe Cộng hòa dự đoán các dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua tại Thượng viện khóa mới sau khi đảng Cộng hòa chính thức nắm quyền kiểm soát Quốc hội từ ngày 3/1/2015.

Đối với giới khoa học, mặc dù thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung là bước khởi đầu quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu song không nên quá kỳ vọng vào một bước đột phá lớn.

Theo họ, kể cả khi thỏa thuận được thực thi đầy đủ, nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ tăng thêm 2 độ C, ngưỡng tăng nguy hiểm theo cảnh báo của các nhà môi trường.

Bên cạnh đó, với tính chất không ràng buộc nên thỏa thuận có thể sẽ không tuân thủ dù đã được lãnh đạo hai nước nhất trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục