Liên hợp quốc: Địa Trung Hải - “cửa tử” của những người di cư

Liên hợp quốc cảnh báo kể cả khi số người di cư và tị nạn qua Địa Trung Hải vào châu Âu giảm mạnh, nguy cơ họ tử nạn trong hành trình đầy nguy hiểm này vẫn tăng lên đáng kể.
Người di cư được cứu sống ngoài khơi bờ biển Sicily. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/9, Liên hợp quốc cảnh báo kể cả khi số người di cư và tị nạn qua Địa Trung Hải vào châu Âu giảm mạnh, nguy cơ họ tử nạn trong hành trình đầy nguy hiểm này vẫn tăng lên đáng kể.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong giai đoạn từ tháng 1-7 năm nay, ước tính hơn 58.000 người tị nạn và di cư đã đến được bờ biển châu Âu sau khi vượt qua Biển Địa Trung Hải, ít hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số người lựa chọn tuyến đường Trung Địa Trung Hải đến Italy giảm từ hơn 95.000 người trong 7 tháng đầu năm ngoái còn 18.500 người.

[Cuộc khủng hoảng người di cư vẫn ám ảnh cả châu Âu]

Tuy nhiên, UNHCR cảnh báo các lộ trình này đang trở nên "chết chóc" hơn bao giờ hết với tỷ lệ người thiệt mạng trên biển tăng mạnh.

Trong 7 tháng đầu năm nay, gần 1.600 người đã tử nạn trong hành trình đầy nguy hiểm trên. Trong số này, 1.200 người đã thiệt mạng dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải, bằng một nửa so với con số năm ngoái khi số người di cư đến Italy cao gấp 5 lần hiện nay.

Điều này đồng nghĩa với việc cứ 18 người thực hiện hành trình, thì có 1 người thiệt mạng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1 trên 42 người cùng kỳ năm ngoái.

Người đứng đầu các chiến dịch của châu Âu trong UNHCR Pascale Moreau nhấn mạnh báo cáo này một lần nữa chứng minh Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường vượt biển "chết chóc" nhất.

Theo ông, trong bối cảnh số người đến châu Âu bằng đường biển giảm đi, đây không còn là vấn đề có thể kiểm soát được lượng người di cư hay không, mà là liệu khu vực này có thể tập trung nỗ lực nhân đạo để cứu thêm nhiều người hay không.

Mặc dù số người di cư đến khu vực này đã giảm mạnh, châu Âu vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị về làn sóng người di cư và tị nạn từ châu Phi và Trung Đông.

Chính phủ dân túy của Italy đã cam kết chấm dứt tiếp nhận người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya, trong khi Malta liên tiếp đóng cảng đối với tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ đi qua Địa Trung Hải.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia mở cảng tiếp nhận các tàu cứu hộ người di cư của những tổ chức từ thiện bị Italy chặn lại trước đó, đã chứng kiến số lượng người đến đây tăng gấp đôi trong 7 tháng đầu năm, lên 27.600 người.

Trong những tháng gần đây, UNHCR và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã kêu gọi cách tiếp cận mang tính dự báo và khu vực để giải cứu và cho phép người di cư lên bờ tại Địa Trung Hải.

Cùng ngày, lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha cho biết chỉ riêng trong ngày 3/9, ít nhất 626 người di cư từ Hạ Sahara và Bắc Phi đã được giải cứu trên 16 chiếc thuyền tại eo biển Gibraltar và Biển Alboran, hai con đường biển chính để đến Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục