Rắc rối xoay quanh "bài toán" giải quyết gốc rễ vấn đề di cư của EU

Càng dành nhiều thời gian tranh luận về các chính sách di cư ít có cơ hội trở thành hiện thực, giới lãnh đạo EU càng khó có thể xây dựng và triển khai những chính sách thực sự khả thi.
Rắc rối xoay quanh "bài toán" giải quyết gốc rễ vấn đề di cư của EU ảnh 1Người di cư tới cảng Pozzallo, Sicily, Italy sau khi được cứu trên biển ngày 16/7. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Theo trang mạng politico.eu, đề xuất thành lập các trại tị nạn ngoài châu Âu, cụ thể là tại vùng Bắc Phi, của Brussels có thể tạo ra nhiều rắc rối hơn là những gì nó có thể giải quyết.

Khi bất đồng về cách phân chia hợp lý nhất số người xin tị nạn và di cư tại Liên minh châu Âu dấy lên hồi đầu mùa Hè năm nay, các nhà lập pháp đã một lần nữa tính đến đề xuất này.

Thay vì tìm kiếm những thỏa hiệp về cách tốt nhất để bảo vệ người dân đang tìm cách chạy trốn khỏi xung đột hay ngược đãi thì các nhà lãnh đạo châu Âu lại dồn công sức vào việc thành lập các trại tị nạn bên ngoài EU, nơi những người di cư được cứu khi đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải có thể tạm trú trong thời gian chờ được duyệt đơn xin tị nạn.

Những người được giải cứu ở vùng biển quốc tế hay ngoài khơi các nước không thuộc EU sẽ được đưa tới các trại tị nạn nằm tại các quốc gia này, và có thể là các tổ chức quốc tế sẽ quyết định xem họ có đủ điều kiện để được xin tị nạn tại EU hay sẽ phải trở về quê hương mình. Tuy nhiên, cơ chế này vận hành thế nào vẫn là điều chưa ai dám chắc .

Ý tưởng xây dựng các trung tâm kiểu này không phải là mới. Các nhà lập pháp tại Brussels và các nước châu Âu khác đã nêu lên những ý tưởng tương tự này trong nhiều năm qua, song chưa bao giờ có thể triển khai chúng.

Lý do rất đơn giản: Ý tưởng này tồn tại quá nhiều vấn đề và không phù hợp với các giá trị của châu Âu. Về cơ bản, đề xuất là nỗ lực nhằm chuyển trách nhiệm đối với những người xin tị nạn sang cho những quốc gia có các trung tâm này.

[Liên hợp quốc kêu gọi châu Âu tiếp nhận người di cư trên tàu Diciotti]

Các trại tị nạn nhiều khả năng sẽ được dựng lên tại Bắc Phi, một khu vực không được tranh bị đầy đủ như châu Âu để gánh vác nhiệm vụ này. Và có lẽ cũng không mấy ngạc nhiên khi cho tới nay chưa quốc gia nào đồng ý thiết lập một trung tâm như vậy.

Có 5 lý do khiến đề xuất các trung tâm này là một ý tưởng còn quá nhiều tồn tại và khúc mắc.

Thứ nhất là việc đưa một cá nhân tới một quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi. Theo đề xuất hiện hành, về cơ bản một người được giải cứu khi đang lênh đênh trên biển có thể sẽ phải trở về đất nước hoặc nơi họ đã chạy trốn.

Lấy ví dụ, nếu người này chạy khỏi Ai Cập, và một trại tị nạn đã được xây dựng tại Ai Cập thì người này nhiều khả năng sẽ bị đưa về đó. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề, có nguy cơ đẩy người tị nạn buộc phải trở về nơi họ chắc chắn sẽ bị ngược đãi, một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Thứ hai là những khó khăn mà EU sẽ gặp phải trong việc đảm bảo các trại tị nạn ở Bắc Phi đảm bảo các tiêu chuẩn về nhân đạo. Tại những hòn đảo như Nauru và Manus (Australia), nhiều chuyên gia pháp lý đã miêu tả tình trạng thể chất của trẻ em là đang ở “mức khủng hoảng.”

Chỉ trong tuần này, Ủy ban châu Âu cũng đã tái khẳng định quan điểm cho rằng các trung tâm giam giữ người tị nạn ở Libya không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về nhân đạo.

Thứ ba là liên quan tới việc xác định ai có quyền được ở tại các trung tâm này. Nếu giới chức chỉ đơn thuần muốn giữ lại những người được giải cứu khi đang lênh đênh trên biển và tìm đường tới châu Âu thì sẽ càng có nhiều người tị nạn mạo hiểm lựa chọn con đường nguy hiểm ấy.

Một số người khác thậm chí còn tìm những tuyến đường còn nhiều rủi ro hơn ngang qua Địa Trung Hải, để tăng cơ hội đến được vùng biển châu Âu.

Giới lập pháp EU cần phải thực thi luật pháp quốc tế và không thể để tồn tại những lỗ hổng trong một hệ thống vốn được dựng lên để bảo vệ những con người đang trốn chạy khỏi bạo lực và chết chóc này.

Đề xuất của EC chỉ rõ rằng quy định về tị nạn của EU không được áp đặt với các trại tị nạn ngoài châu Âu song họ không nói rõ những quy định nào sẽ được sử dụng để thay thế. Những quốc gia vốn được đề xuất làm nơi xây dựng các trại tị nạn này thực tế không hề có hệ thống xử lý vấn đề tị nạn.

Vì vậy câu hỏi then chốt là làm thế nào để người ta có thể đảm bảo quyền được xin tị nạn - một quyền được quy định theo luật quốc tế - được tôn trọng triệt để tại các quốc gia này?

Thứ tư là nếu người tị nạn cần sự bảo trợ quốc tế thì họ liệu có nhận được điều này từ các quốc gia có trại tị nạn hay không, và nếu có thì bằng cách nào. Nếu họ không được bảo trợ thì Tổ chức Di cư Quốc tế sẽ làm thế nào để xác định xem liệu việc để họ hồi hương có an toàn hay không?

Cuối cùng, để tránh những yếu tố phản tác dụng, có lẽ có rất ít người tị nạn tại các trại này có được cơ hội tái định cư ở một quốc gia châu Âu. Đối với những người được chấp nhận, cũng chưa rõ liệu các nước thành viên EU có tuân thủ cam kết đón nhận họ hay không.

Cơ chế trung chuyển khẩn cấp được triển khai để đưa những người tị nạn từ Libya tới Niger, nơi họ có thể hy vọng về việc được tới châu Âu, đã bị đình chỉ ít nhất là 1 lần do các nước thành viên EU không thể nhất trí với nhau. Một thỏa thuận về cơ chế tái định cư trên toàn châu Âu cũng vấp phải thách thức tương tự.

EU cần thiết lập một lộ trình an toàn và hợp pháp tới châu lục, đồng thời phải tìm cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề di cư. Việc bảo vệ mạng sống con người tại các tuyến đường di cư rõ ràng là điều cực kỳ quan trọng.

Càng dành nhiều thời gian tranh luận về các chính sách di cư ít có cơ hội trở thành hiện thực, giới lãnh đạo EU càng khó có thể xây dựng và triển khai những chính sách thực sự khả thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.