Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết gia hạn 6 tháng hoạt động viện trợ qua biên giới Syria cho người dân sống ở những khu vực hiện do các nhóm phiến quân chiếm đóng, ngay trước khi sứ mệnh viện trợ trước đó hết hiệu lực.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Bỉ và Đức soạn thảo, theo đó cho phép nối lại hoạt động viện trợ xuyên biên giới từ 2 cửa khẩu tại Thổ Nhĩ Kỳ, song đã cắt giảm các cửa khẩu ở Iraq và Jordan.
Lần gia hạn này cũng chỉ kéo dài 6 tháng thay vì một năm như trước đó.
Trong khi 11 nước ủy viên Hội đồng Bảo an tán thành nghị quyết trên, Nga, Trung Quốc, Anh và Mỹ là những nước đã bỏ phiếu trắng.
Theo đại diện thường trực của Anh tại Liên hợp quốc, bà Karen Pierce, cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại khoảng 3 giờ, do "văn bản dường như được thực hiện" cho đến phút cuối cùng.
Kể từ năm 2014, Liên hợp quốc đã thực hiện hoạt động viện trợ tới Syria qua 4 cửa khẩu, bao gồm: Bab al-Salam và Bab al-Hawa ở Thổ Nhĩ Kỳ; cùng al-Yarubiyah ở Iraq và al-Ramtha ở Jordan.
Các trạm kiểm soát tại cửa khẩu này do Liên hợp quốc chỉ định mà không có sự cho phép của Chính phủ Syria.
Do đó, Chính phủ Syria và Nga nhiều lần yêu cầu điều chỉnh cơ chế viện trợ qua biên giới cho phù hợp, bởi hàng cứu trợ qua biên giới thường xuyên bị các nhóm vũ trang cướp.
Hơn nữa, kể từ năm 2014, tình hình thực địa đã có nhiều thay đổi khi chính quyền Syria đã giành lại lãnh thổ từ các tay súng phiến quân và những phần tử khủng bố.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, 2,7 triệu người dân sống ở Tây Bắc Syria và 1,3 triệu người ở Đông Bắc nước này hiện phải sống dựa vào các nguồn viện trợ xuyên biên giới./.