Ngày 4/8, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gần đây ở Bangladesh, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và những người biểu tình.
Trong một tuyên bố, ông Turk kêu gọi hạn chế phát tán thông tin sai lệch và kích động bạo lực, đồng thời tạo điều kiện cho cuộc đối thoại có ý nghĩa. Bên cạnh đó, ông Turk cũng cảnh báo cuộc tuần hành lớn đã được lên kế hoạch trong ngày 5/8 tại thủ đô Dhakar, có thể sẽ khiến cho thêm nhiều người thiệt mạng.
Cuộc đụng độ xảy ra hôm 4/8 giữa hàng chục nghìn người người biểu tình và những người ủng hộ chính phủ, đã khiến ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày đối với bất kỳ cuộc biểu tình nào gần đây tại Bangladesh.
Chính phủ Bangladesh đã ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ 18h ngày 4/8 (giờ địa phương). Tình trạng bất ổn cũng đã khiến chính phủ phải tạm dừng các dịch vụ truy cập mạng Internet.
Các cuộc biểu tình đã bắt đầu vào tháng 7 do những bất đồng liên quan đến hạn ngạch việc làm của công chức. Điều này đã leo thang thành phong trào phản đối chính phủ rộng lớn, khi hàng trăm nghìn người đã yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức sau 15 năm cầm quyền.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra khuyến cáo cho công dân nước này không nên tới nước láng giềng Bangladesh cho đến khi có thông báo mới./.
Bangladesh áp đặt lệnh giới nghiêm do tình trạng bất ổn lan rộng khắp nước
Các cuộc đụng độ trong tuần này giữa sinh viên biểu tình và cảnh sát đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 105 người, và đặt ra thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Hasina sau 15 năm cầm quyền.