Nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng, 9/12 Liên hợp quốc đã kêu gọi người dân trên khắp thế giới tham gia một chiến dịch toàn cầu để nâng cao nhận thức về vấn nạn mà Tổng Thư ký Ban Ki-moon gọi là tai họa bào mòn xã hội, đồng thời khuyến khích người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội hành động chống lại loại tội phạm này.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, với khẩu hiệu "Phá vỡ Chuỗi tham nhũng," Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hối thúc chính phủ các nước, khu vực tư nhân và người dân cùng nhau giải quyết vấn nạn này bằng cách thay đổi quan điểm của chính mình về tham nhũng.
Chiến dịch cũng nhấn mạnh rằng chống tham nhũng có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vừa được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua hồi tháng Chín.
Trong thông nghiệp nhân ngày này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã lưu ý rằng quan niệm về tham nhũng có sự thay đổi đáng kể. Từng có thời hối lộ, tham nhũng và các luồng tiền bất hợp pháp được tính là một phần chi phí kinh doanh, tuy nhiên ngày nay, đông đảo dư luận đã xác định một cách đúng đắn rằng tham nhũng là một dạng tội phạm làm bào mòn xã hội.
Ông nhấn mạnh Chương trình Phát triển bền vững năm 2030 đã công nhận sự cần thiết phải chống tham nhũng dưới mọi hình thức, đồng thời kêu gọi giảm đáng kể các luồng tài chính bất hợp pháp cũng như tịch biên những tài sản bị biển thủ.
Ông Ban Ki-moon nói: "Tham nhũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển khi mà các nguồn quỹ thay vì được dành cho trường học, y tế và các dịch vụ công thiết yếu khác, lại lọt vào tay những kẻ tội phạm hay những quan chức lừa đảo. Tham nhũng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực và mất an ninh do người dân khi bất mãn với những thể chế công và chính phủ có khuynh hướng giận dữ và gây bạo động xã hội."
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tạo cơ sở toàn diện cho các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và cho từng công dân chống tham nhũng thông qua việc ngăn ngừa, đưa vào luật hình sự, hợp tác quốc tế và tịch biên tài sản.
Ông kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cùng phát đi thông điệp nói "Không" với tham nhũng và củng cố những nguyên tắc của sự minh bạch, trách nhiệm và quản lý tốt.
Ngày Quốc tế chống tham nhũng, viết tắt là IACD, được tổ chức vào ngày 9/12 hàng năm kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003. Đây là một sự kiện thường niên do Liên hợp quốc tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng và những vấn đề có liên quan, và vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ của họ./.