Theo một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), mặc dù lệnh cấm sử dụng túi nhựa do chính phủ các nước ban hành có hiệu quả trong việc giảm bớt loại chất thải này, nhưng việc thực hiện không nghiêm túc quy định đã khiến cho nhiều lệnh cấm như vậy trở nên vô tác dụng.
Báo cáo cho biết các quy định về hạn chế sử dụng các loại túi ni lông đã giúp giảm bớt việc sử dụng loại túi này tại nhiều nơi trên thế giới như Maroc, Rwanda và một số vùng ở Trung Quốc.
Thế nhưng, tại nhiều nơi khác, những quy định này lại hầu như không có tác dụng.
Chẳng hạn như tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, lệnh cấm việc sử dụng túi nhựa dùng một lần chỉ có tác dụng hạn chế do thiếu lực lượng thực thi pháp luật.
Trong 10 năm qua, chính quyền New Delhi đã nỗ lực để cấm việc sử dụng các loại túi nilon và người vi phạm có thể bị phạt nặng. Tuy nhiên thực tế, những loại túi như vậy vẫn xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố, ở các mương rãnh hoặc tại các cửa hàng.
[Chung tay cứu hành tinh khỏi tình trạng ô nhiễm trắng]
Theo Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) Erik Solheim, ô nhiễm chất dẻo là một vấn nạn ở khắp mọi nơi.
Tại Ấn Độ, mặc dù chính quyền nước này đã ngày một nỗ lực hơn trong việc bảo vệ môi trường, nhưng "một số địa điểm đẹp nhất" ở nước này đã bị hủy hoại do tình trạng ô nhiễm trên.
Ông nhấn mạnh tuy đây là một vấn đề phức tạp, nhưng vẫn có nhiều khả năng giải quyết được.
Cũng theo báo cáo của Liên hợp quốc, để tăng hiệu quả của các lệnh cấm sử dụng chất dẻo cần thực hiện nhiều biện pháp từ việc khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác để loại bỏ chất dẻo đến việc khuyến khích người tiêu dùng từ bỏ việc sử dụng chất liệu này.
Báo cáo đưa ra con số thống kê cho thấy mỗi năm trên thế giới có tới 5.000 tỷ chiếc túi nilon được sử dụng./.