Liên hợp quốc kêu gọi thả người di cư và tị nạn bị tạm giữ ở Libya

Liên hợp quốc kêu gọi thả 5.600 người di cư và tị nạn hiện đang bị tạm giữ ở các trại trên khắp đất nước Libya nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho họ sau khi trại Tajoura bị không kích.
Chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ không kích trúng vào trại tạm giữ người di cư Tajoura, ngoại ô Tripoli, Libya, ngày 3/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ không kích trúng vào trại tạm giữ người di cư Tajoura, ngoại ô Tripoli, Libya, ngày 3/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Liên hợp quốc đã kêu gọi thả 5.600 người di cư và tị nạn hiện đang bị tạm giữ ở các trại trên khắp đất nước Libya nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho họ sau khi trại Tajoura, ở vùng ngoại ô phía Đông thủ đô Tripoli, bị không kích ngày 3/7 khiến hơn 50 người thiệt mạng và 130 người bị thương.

Vụ việc xảy ra dù cả hai bên tham chiến tại Libya đều biết rõ vị trí của khu trại tạm giữ người di cư và tị nạn này.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong thông cáo chung đưa ra ngày 12/7, Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc Antonio Vitorino và lãnh đạo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi, kêu gọi cộng đồng quốc tế coi việc bảo vệ quyền con người của những người tị nạn và di cư là vấn đề chính cần quan tâm ở Libya.

Hai quan chức Liên hợp quốc cũng cho biết đã cùng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.

Thông cáo nêu rõ nếu việc bảo vệ người di cư và tị nạn không được đảm bảo tại Lybia thì cần đưa họ đến các nước khác, qua đó kêu gọi các nước mở cửa và thiết lập thêm các khu tái định cư để tiếp nhận người di cư và tị nạn từ Libya.

[Libya cân nhắc đóng cửa các cơ sở tạm giữ người di cư]

Hai quan chức Liên hợp quốc cũng hối thúc Libya chấm dứt việc giam giữ người tị nạn và người di cư được cứu ngoài khơi và cân nhắc áp dụng các biện pháp khác, chẳng hạn cho phép họ sống trong cộng đồng bản địa, ở những khu vực công hoặc những khu vực được đảm bảo an toàn.

Khoảng 400 người sống sót sau vụ không kích vừa qua hiện đã được chuyển tới ở tại khu nhà của của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn nhưng hiện tại nơi này đã quá tải. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn hiện đang thu xếp để đưa họ ra khỏi Libya, nhất là những người được xếp trong nhóm “dễ bị tổn thương.”

Hiện có khoảng 50.000 người tị nạn và 800.000 người di cư đang sống ở Libya, chưa kể nhiều người khác đang bị tạm giữ ở những địa điểm không đảm bảo về cơ sở vật chất và quyền con người.

Hai quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cho rằng những người được cứu ngoài khơi không nên bị đưa đến Libya bởi quốc gia này không an toàn.

Các tàu thương mại cứu người tị nạn cũng không nên chuyển thẳng họ tới Libya.

Những hoạt động cứu trợ, ủng hộ nhân đạo cho chính quyền Libya phải đi kèm điều kiện chấm dứt giam giữ người tị nạn và người di cư cũng như phải đảm bảo quyền con người được tôn trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.