Theo phóng viên TTXVN tại New York, khảo sát mới nhất do Đại diện Đặc biệt của Liên hợp quốc về chống bạo lực đối với Trẻ em và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố ngày 4/9 cho thấy khoảng 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia khác nhau cho biết đã bị bắt nạt trên mạng, và trung bình cứ năm em thì có một em bỏ học vì điều đó.
Thông qua trả lời các câu hỏi khảo sát không nêu danh tính bằng công cụ phần mềm U-Report, khoảng 3/4 các em cho biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những không gian mạng có tình trạng bắt nạt hay xảy ra nhất.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định nếu muốn học sinh có được trải nghiệm giáo dục tốt, cần cải thiện cả môi trường học tập ngoài đời cũng như môi trường trên mạng.
Khi được hỏi làm thế nào để nạn bắt nạt học đường chấm dứt, khoảng 32% các em được hỏi tin rằng chính phủ các nước cần phải làm việc đó, 31% các em cho rằng chính các em phải tìm ra giải pháp cho mình và 29% các em lại thấy các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm chính.
Kết quả khảo sát lần này cũng làm thay đổi quan niệm phổ biến trước đây là bắt nạt trên mạng chỉ xảy ra ở những trường dành cho học sinh của gia đình có điều kiện.
Ví dụ, khoảng 34% học sinh ở khu vực châu Phi hạ Sahara trả lời khảo sát cho biết các em đã bị bắt nạt trên mạng và 39% các em biết có những nhóm riêng trên mạng của học sinh chia sẻ thông tin để bắt nạt một số bạn nhất định.
Cuộc khảo sát về tình trạng thanh thiếu niên bị bắt nạt, chèn ép đã được thực hiện với sự tham gia của 170.000 em trong độ tuổi 13-24 trên khắp các châu lục, ở châu Á có Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Myanmar./.