Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric ngày 31/8 cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại Dải Gaza của Palestine tác động rất lớn đến tình hình nhân đạo vốn đã rất xấu ở đây.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Dujarric cho biết Điều phối viên nhân đạo cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, Jamie McGoldrick, đã viết thư gửi cộng đồng các nhà tài trợ để thông báo rằng Chương trình Hỗ trợ nhiên liệu khẩn cấp của Liên hợp quốc, chuyên cung cấp nhiên liệu đảm bảo cuộc sống để vận hành các máy phát điện khẩn cấp tại các trung tâm y tế, các cơ sở nước sạch và vệ sinh, đã hết hết kinh phí để hoạt động.
Trong thư, Điều phối viên McGoldrick nêu rõ nếu chương trình không được hỗ trợ tài chính kịp thời, việc cung cấp các dịch vụ có thể bị gián đoạn, tác động tới hoạt động của bệnh viện, phòng khám, hệ thông xử lý nước, các cơ sở nước sạch và vệ sinh.
Trong bối cảnh thiếu điện hiện nay tại Gaza, với khoảng 20 giờ cắt điện mỗi ngày, cần ít nhất 4,5 triệu USD để có thể cung cấp khoảng 1,4 triệu lít xăng khẩn cấp mỗi tháng nhằm duy trì các dịch vụ trên đến cuối năm.
[Mỹ cắt viện trợ cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc]
Tình trạng nguy kịch trên xảy ra sau khi Mỹ thông báo cắt giảm viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc vì người tị nạn Palestine (UNRWA). Trong năm nay, chính quyền Mỹ mới chỉ cung cấp 60 triệu USD cho UNRWA, ít hơn rất nhiều so với con số 360 triệu USD mà Mỹ đóng góp năm ngoái.
Tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm các khoản viện trợ cho người Palestine sau khi đã cắt 200 triệu USD cho các chương trình viện trợ tại Dải Gaza và Bờ Tây. Mới đây nhất, ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ chấm dứt viện trợ cho UNWRA.
Tuy nhiên, rất may là UNRWA đã nhận được các khoản đóng góp tăng thêm của một số nước từ đầu năm đến nay để bù đắp phần nào cho hoạt động nhân đạo của mình.
Sau khi nhận được tiền bù đắp cho khoản viện trợ mà Mỹ đã cắt, các trường học do UNRWA quản lý đã được mở cửa tại khu Bờ Tây và Dải Gaza.
Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cung cấp mỗi nước 50 triệu USD và UNRWA hy vọng nhận thêm 50 triệu USD mà Saudi Arabia đã cam kết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này vẫn đang thiếu 200 triệu USD.
UNRWA được thành lập năm 1949 nhằm hỗ trợ 750.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh Israel-Arab sau khi Nhà nước Israel ra đời năm 1948. Phần lớn trong số người này hiện còn sống và con cháu của họ vẫn được công nhận là người Palestine tị nạn.
Cho đến nay, tổ chức này đã giúp đỡ khoảng 5 triệu người ở Jordan, Liban, Syria và Palestine tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza./.