Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hòa bình tại Yemen

Đặc phái viên Griffiths đã nỗ lực trong nhiều tuần qua nhằm tái khởi động các vòng đàm phán mới giữa chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen và phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hòa bình tại Yemen ảnh 1Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen, ông Martin Griffiths (trái) và đại diện của phiến quân Houthi Faisal Amin Abu-Rass (phải) tại cuộc gặp ở Sanaa, Yemen ngày 2/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh Chính phủ Yemen cảnh báo tiếp tục tấn công thành phố cảng Hodeida nếu các nỗ lực hòa giải của Liên hợp quốc thất bại, ngày 25/7, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Martin Griffiths đã trở lại thủ đô Sanaa của quốc gia Trung Đông này để tiến hành các cuộc đàm phán mới với phiến quân Houthi.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen, với sự hỗ trợ của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, đã ngừng tấn công vào cảng Hodeida trong một động thái mà họ cho rằng tạo cơ hội cho các nỗ lực hòa bình do Liên hợp quốc dẫn đầu.

Đặc phái viên Griffiths đã nỗ lực trong nhiều tuần qua nhằm tái khởi động các vòng đàm phán mới giữa chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen và phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.

[Yemen: Lực lượng chính phủ đạt nhiều tiến triển ở mặt trận then chốt]

Chính phủ Yemen yêu cầu lực lượng Houthi rút khỏi thành phố cảng Hodeida trước khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể được nối lại, đồng thời khẳng định chính phủ Yemen phải nắm quyền kiểm soát thành phố này.

Một quan chức trong chính phủ Yemen cho biết chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi chấp nhận sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế giám sát việc quản lý cảng Hodeida cũng như quá trình bàn giao các nguồn thu tài chính cho Ngân hàng Trung ương Yemen.

Nếu các nỗ lực hòa giải thất bại, các lực lượng thân chính phủ cảnh báo có thể tiếp tục tấn công cảng Hodeida, cảng biển quan trọng bậc nhất của Yemen.

Chính quyền Tổng thống Hadi và các đồng minh trong liên quân Arab luôn kiên định lập trường lực lượng Houthi phải rút hoàn toàn khỏi các vũng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ từ năm 2014.

Tổng thống Hadi nhiều lần tuyên bố Houthi phải bàn giao vũ khí và rút khỏi các thành phố, khẳng định rằng bất cứ cuộc đàm phán hay tiến trình chính trị nào cũng cần phải tuân thủ Nghị quyết 2216 của Liên hợp quốc, theo đó Houthi phải hạ vũ khí đầu hàng và rút khỏi các khu vực chiếm đóng.

Kể từ khi liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự vào Yemen nhằm khôi phục chính quyền của Tổng thống Hadi từ tháng 3/2015, hơn 10.000 đã thiệt mạng, trong đó có 2.200 trẻ em.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Yemen là tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 8 triệu người đang cận kề nạn đói nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.