Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc sẽ xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch tiêu biểu của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến cho từng sản phẩm.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Thời gian tới, các tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, điểm độc đáo trong sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương, xây dựng tour-tuyến-điểm du lịch sáng tạo, mang đặc trưng riêng để thu hút ngày càng đông khách du lịch.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị sơ kết các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Bắc giai đoạn 2024-2025, tổ chức chiều tối 3/11, tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết năm 2024, thực hiện chương trình liên kết, hợp tác, 9 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đã định hướng phát triển các sản phẩm du lịch địa phương.

Các địa phương khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và đặc trưng của vùng, góp phần triển khai Chương trình “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” của ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Các tỉnh, thành phố thành viên nhóm hợp tác đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch; chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển du lịch; xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch liên kết giữa các tỉnh, thành phố.

Thông qua chương trình liên kết, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh vùng Đông Bắc đã có những chuyển biến tích cực và thu được kết quả bước đầu. Công tác phát triển du lịch có nhiều đổi mới và phát triển. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế…

Tuy nhiên, việc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch của các tỉnh còn lỏng lẻo, rời rạc, đơn điệu, chỉ mới dừng lại ở những hoạt động mang tính bề nổi, chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch. Việc liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với các sự kiện của địa phương chưa tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới.

Việc kết nối các tour, tuyến, khu du lịch chưa tạo sự liên kết dịch vụ khép kín. Chất lượng dịch vụ giữa các tỉnh chưa đồng đều... gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và làm giảm sức hút du lịch của cả vùng.

Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc sẽ nghiên cứu xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch độc đáo, tiêu biểu của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến liên kết.

Các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết phối hợp thực hiện chương trình xúc tiến du lịch tại một số thị trường du lịch quốc tế trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu; tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến của địa phương và vùng tại thị trường quốc tế.

ttxvn_du lich tphcm 2.jpg
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng các tỉnh vùng Đông Bắc cần sớm nghiên cứu xây dựng bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ tại các điểm tham quan, khu điểm du lịch nhằm truyền tải hình ảnh các điểm đến du lịch đặc trưng, nét đẹp văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc tại các địa phương, giúp du khách thuận lợi tìm kiếm thông tin, kết nối các điểm đến du lịch của vùng...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Tô Thị Trang thông tin tỉnh Cao Bằng và Hà Giang đã xây dựng tuyến du lịch thứ 5, kết nối Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, mở ra cơ hội bứt phá trong phát triển du lịch địa phương. Với sản phẩm du lịch mới, độc đáo này, Cao Bằng và Hà Giang hy vọng thu hút được ngày càng đông du khách tham quan.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc đã ký Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch, giai đoạn 2020-2025 hướng đến hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, liên vùng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục