Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga hay không, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khi nhóm họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này.
EU, cùng với các nước đồng minh phương Tây, đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt các hành động quân sự tại Ukraine.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết các nước đang thực hiện vòng trừng phạt thứ năm và nhiều biện pháp trừng phạt mới đang được đề xuất.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU sẽ tiến hành thảo luận trong ngày 21/3, trước khi Tổng thống Mỹ Biden đến Brussels (Bỉ) vào ngày 24/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước NATO, cũng như EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản.
Cho đến nay, Nga vẫn chưa thay đổi hành động đối với Ukraine bất chấp bốn đợt trừng phạt của EU được áp đặt, trong đó bao gồm 685 người Nga và Belarus, cũng như tài chính và thương mại của Nga, trong ba tuần qua.
[G7 không đồng thuận về lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga]
Điều đó khiến EU đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất về mặt kinh tế là có nên nhắm mục tiêu vào dầu của Nga hay không, như Mỹ và Anh đã làm. EU gồm 27 quốc gia thì chưa đưa ra biện pháp trừng phạt do phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay các nước Baltic bao gồm Lithuania (Litva) đang thúc đẩy lệnh cấm vận, coi đây là bước đi hợp lý tiếp theo, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng vốn đã cao ở châu Âu.
Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt của EU tới dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu.
EU phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt của mình, trong đó Đức là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất trong các nền kinh tế lớn của EU. Đức cũng là nước mua dầu thô Nga lớn nhất của EU.
Bulgaria, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom của Nga, cho biết nước này có thể tìm cách từ chối tham gia vào vòng trừng phạt này. Nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của LUKOIL của Nga và cung cấp hơn 60% nhiên liệu được sử dụng ở quốc gia Balkan này.
Tất cả các quyết định trừng phạt của EU đều cần có sự đồng thuận. Pháp, nước đứng đầu nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài sáu tháng của EU, có thể sẽ chứng minh vai trò quan trọng.
Tổng thống Emmanuel Macron đã nói rằng nếu tình hình ở Ukraine tồi tệ hơn thì sẽ không có bất kỳ "điều cấm kỵ" nào về các biện pháp trừng phạt./.