Khả năng Đức phi công nghiệp hóa nếu từ bỏ năng lượng Nga

Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch từ nay đến cuối mùa Thu sẽ từ bỏ than của Nga, và cuối năm sẽ từ bỏ dầu và khí đốt của nước này trong một tương lai chưa xác định.
Khả năng Đức phi công nghiệp hóa nếu từ bỏ năng lượng Nga ảnh 1Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức ngày 1/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo “Tầm Nhìn” (Nga) số ra ngày 13/3 có bài viết cho biết Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch từ nay đến cuối mùa Thu sẽ từ bỏ than của Nga, và cuối năm sẽ từ bỏ dầu và khí đốt của nước này trong một tương lai chưa xác định.

Kế hoạch của Berlin có tính thực tế như thế nào và đất nước này sẽ gặp khó khăn gì? Các chuyên gia tin rằng điều này sẽ dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa của Đức.

Bộ trưởng Kinh tế, Phó thủ tướng Đức Robert Habek cho biết Đức có kế hoạch đến mùa Thu năm 2022 sẽ không còn phụ thuộc vào than từ Nga, và đến cuối năm sẽ từ bỏ dầu khí của nước này.

Theo ông, chính quyền đang làm việc hằng ngày, thậm chí đôi khi là cả "hằng đêm" để hướng tới mục tiêu này.

[EU hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do giá nhiên liệu tăng vọt]  

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng các nguồn cung năng lượng của Nga đã được rút khỏi các lệnh trừng phạt, vì hiện không có cách nào khác để đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu trong các lĩnh vực nhiệt, giao thông, điện và công nghiệp.

Theo Nhà báo Vera Wolfskampf, việc từ chối khí đốt của Nga khiến Đức có nguy cơ sẽ phải chuyển các hoạt động sản xuất ra nước ngoài và thiếu hụt nhiên liệu để sưởi ấm.

Mục tiêu mà nhà chức trách Đức tuyên bố là giúp nước này độc lập với năng lượng Nga có thể bằng hai cách: cắt giảm nguồn cung một cách đột ngột hoặc tạo ra các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu từ Nga. Lựa chọn thứ hai sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Trong khi đó, ngày 11/3, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC dự định sẽ đệ trình các đề xuất vào giữa tháng 5 để loại bỏ dần khí đốt, dầu và than từ Nga vào năm 2027.

Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng nước này, nếu cần, sẵn sàng đối đầu gay gắt với EU trong lĩnh vực năng lượng.

Còn Thượng nghị sỹ Andrey Klishas đề nghị xem xét lại cách tiếp cận về năng lượng cho EU.

Ông Klishas viết trên mạng xã hội Telegram: “Chúng ta cần ngừng lặp lại câu nói lâu nay rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng có trách nhiệm với châu Âu, và tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta chỉ có trách nhiệm với các đối tác có lương tâm, còn Nga không có nghĩa vụ đối với những người gây chiến tranh kinh tế.”

Igor Yushkov, chuyên gia của Học viện Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga, cũng là nhà phân tích kỳ cựu của Quỹ An ninh Năng lượng, nhân định: “Đức đưa ra một kế hoạch rất tham vọng, sẽ rất khó thực hiện. Ngoài ra, đây là một tuyên bố rất thiếu trách nhiệm của Bộ trưởng Kinh tế nước này, bởi vì Nga đã đưa ra tín hiệu với các nước châu Âu: hoặc chúng tôi giao dịch bình thường, hoặc chúng tôi không giao dịch gì cả. Buôn bán dầu, khí đốt và than đá là một tổng hòa.”

Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Ngoài ra, hydrocarbon không phải do nhà nước mua mà là của các công ty năng lượng mua. Để các công ty Đức giảm mua dầu và than của Nga thì cần có một quy định bắt buộc họ phải làm như vậy. Nếu Đức hoặc Liên minh châu Âu (EU) ban hành một sắc lệnh như vậy, Nga sẽ coi đó là các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp này, Đức sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt trả đũa.”

Chuyên gia Yushkov nêu rõ: “Việc áp dụng các biện pháp trả đũa này có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng quy mô lớn toàn cầu. Chỉ cần Nga cắt giảm sản lượng thì sẽ đồng nghĩa với việc thiếu hụt năng lượng trên quy mô toàn cầu: giá sẽ cao, và mọi người sẽ tranh giành số lượng còn lại. Vì vậy, Đức sẽ thật vô trách nhiệm khi cố gắng áp đặt các lệnh trừng phạt ở lĩnh vực này, và họ có thể còn bị ảnh hưởng ở các lĩnh vực khác, dẫn đến kết quả là ngừng hoàn toàn thương mại.”

Ông Yushkov cũng lưu ý đến tính cách của vị Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Ông ấy là một triết gia từ lâu đã hoạt động chính trị trong phe đối lập. Với tư cách là phát ngôn viên của Đảng Xanh, Robert Habeck đã đưa ra những tuyên bố như 'chúng tôi sẽ giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch'. Giờ đây, có cảm giác rằng ông ta vẫn là một người theo chủ nghĩa đối lập, người vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố theo chủ nghĩa dân tuý. Ông ta không hiểu rằng mình đã là một chính trị gia năng động, một người có trách nhiệm."

Theo chuyên gia này, thậm chí nếu Đức từ bỏ than và dầu của Nga thì quá trình chuyển tiếp sẽ mất rất nhiều thời gian.

Chuyên gia Yushkov giải thích: “Đầu tiên, ở Đức, các nhà máy được xây dựng dưới thương hiệu dầu Urals của Nga. Làm gì với chúng đây? Rất có thể, bạn sẽ phải tìm loại dầu tương tự. Về lý thuyết, dầu của Nga có thể bị thay thế bởi một nước nào đó từ Trung Đông-Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tuy nhiên, nếu Đức không tìm thấy dầu giống với dầu Urals Nga thì nước này sẽ phải thiết kế lại các nhà máy lọc dầu."

Thứ hai, Rosneft có cổ phần tại hai nhà máy lọc dầu tại Đức. Liệu họ có bị cưỡng chế? Tịch thu tài sản? Không quan tâm đến ý kiến của người sở hữu?

Thứ ba, việc tái cấu trúc thị trường than và dầu sẽ khiến giá các nguồn năng lượng này tăng cao. Cần lưu ý rằng than đá đã phá vỡ các kỷ lục trong lịch sử, và dầu đã được giao dịch ở mức ngang với các kỷ lục trong lịch sử."

Vị chuyên gia này dự đoán: “Ngoài ra, nếu lệnh cấm chính thức đối với việc mua dầu của Nga được ban hành thì chúng ta có thể thấy các giao dịch trao đổi lớn. Có nghĩa là nếu việc mua dầu từ Nga bị cấm thì các công ty Nga sẽ đơn giản chuyển qua trung gian là các nước khác, ví dụ như Saudi Arabia, và từ đó, lượng dầu này sẽ được chuyển đến châu Âu. Theo đó, dầu Urals sẽ đến Đức theo ý muốn. Nhưng về mặt chính thức thì nó không được cung cấp bởi Rosneft mà là Saudi Aramco.”

Đồng thời, mọi kế hoạch cắt nguồn cung năng lượng của Nga đều cho thấy châu Âu đang không có lập trường chung về vấn đề này.

Chuyên gia Yushkov lý giải: “Hoặc là người châu Âu không có máy tính để tính toán lượng tiền và thời gian cần thiết để từ bỏ các hydrocarbon của Nga, hoặc họ đã tính toán và nhận ra rằng điều này là không thực tế trong điều kiện hiện tại và đang cố gắng chờ đợi, với hy vọng sau 6 tháng đến 1 năm, mối quan hệ sẽ được cải thiện.”

Chuyên gia của Quỹ An ninh Năng lượng, Nhà nghiên cứu Khoa học của Học viện Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang nga Stanislav Mitrakhovich cũng có quan điểm tương tự. Ông này cho biết dầu và than của Đức dễ thay thế hơn khí đốt vì những hàng hoá này dễ vận chuyển hơn và thị trường cũng phổ biến hơn. Tuy nhiên, cũng không phải là không có khó khăn.

Chuyên gia Mitrakhovich nhấn mạnh: “Nếu mua than đá thì trước hết, nó rất đắt. Thứ hai, nếu không mua nó từ Nga, trong khi một nửa số than mà Đức mua đến từ Nga, thì cần tìm nguồn thay thế ở thị trường khác, điều này tương đối khó khăn. Về phần mình, Nga dường như sẽ tăng dần nguồn cung cấp than cho châu Á. Không chỉ có thể vận chuyển than bằng đường sắt mà còn bằng tàu thuỷ, tàu chở hàng nên việc chuyển hướng nguồn cung cấp than trở nên dễ dàng hơn. Tôi nghĩ rằng một phần than xuất khẩu của Nga sẽ được chuyển hướng sang những người mua khác, và những người mua này sẽ chuyển một phần than sang châu Âu với giá cao hơn.”

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Đối với các sản phẩm từ dầu và dầu thô, Đức nhập khẩu khoảng ¼ khối lượng từ Nga. Một số hàng hoá này được bán trên thị trường giao ngay, nhưng cũng có cả những hợp đồng dài hạn. Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là họ sẽ đáp ứng các nghĩa vụ dài hạn như thế nào?”

Ông Mitrakhovich cũng chú ý đến kế hoạch của EU nhằm giảm 2/3 lượng tiêu thụ khí đốt ngay trong năm nay: “Ở tất cả các hợp đồng dài hạn đều có quy tắc “lấy hoặc trả.”

Điều này có nghĩa là chỉ trả có 1/3, tức là EU sẽ không thực hiện hợp đồng. Trong tình huống này, không loại trừ khả năng Nga sẽ không cung cấp lượng 1/3 này.

Nga sẽ ngừng cung cấp hoàn toàn, dẫn đến việc hợp đồng bị phá vỡ. Sau đó, vào thời điểm cuối năm, Bộ trưởng Habek sẽ phải trả lời câu hỏi làm thế nào để thoát khỏi tình trạng vừa thiếu than, khí đốt và dầu. Tôi nghĩ kim loại và phân bón cũng có thể được đưa vào danh sách này.”

Chuyên gia Mitrahovich kết luận: “Trên thực tế, đây là con đường dẫn đến quá trình phi công nghiệp hoá của Đức. Đến cuối năm, tình hình có thể thay đổi, nhưng cho đến nay, nó giống như một cuộc phiêu lưu lớn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.