EU hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do giá nhiên liệu tăng vọt

EU đã nhất trí trợ giá nhiên liệu cho các hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng cuộc cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
EU hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do giá nhiên liệu tăng vọt ảnh 1Các phương tiện xếp hàng mua xăng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao tại một trạm bán xăng ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 12/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire cho biết các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trợ giá nhiên liệu cho các hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng cuộc cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu ngày 15/3 với báo giới sau khi chủ trì cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính EU, Bộ trưởng Le Maire cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến giá cả hàng hóa, đặc biệt là khí đốt và thực phẩm, tăng vọt. Điều này đòi hỏi các quốc gia EU cần có phản ứng chung để giảm bớt thiệt hại.

Ông cho biết thêm chiến lược chung dựa trên những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm nới lỏng những hạn chế về việc hỗ trợ của chính phủ các nước thành viên EU để giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến tình hình ở Ukraine.

[Nhiều nước ứng phó với tình trạng giá nhiên liệu và lạm phát tăng]

Theo Bộ trưởng Le Maire, chiến lược gồm 3 khía cạnh chính. Thứ nhất là hỗ trợ tất cả các hộ gia đình bị ảnh hưởng của việc giá nhiên liệu tăng mạnh như giảm giá bán ra.

Biện pháp hỗ trợ thứ hai là giúp các công ty chịu tác động nặng nề nhất của việc giá khí đốt tăng vọt bằng cách chính phủ bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp hoặc trợ cấp cho những công ty phải sử dụng nhiều năng lượng.

Thứ ba là đa dạng hóa các nguồn năng lượng để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, nước vốn cung cấp đến 45% nhu cầu khí đốt, hơn 25% nhu cầu dầu mỏ và khoảng 50% nhu cầu than đá của EU.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng các nước thành viên EU có thể triển khai những khoản đầu tư như vậy bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp có sẵn dưới dạng quỹ phục hồi của EU vốn chưa dùng đến.

Theo ông, quỹ phục hồi này vẫn còn 200 tỷ euro, theo đó các nước thành viên EU có thể yêu cầu sử dụng dưới dạng cung cấp các khoản cho vay với mục đích đầu tư và tài trợ cải cách đến tháng 8/2023.

Phó Chủ Chủ tịch EC cho rằng ở thời điểm hiện nay, quỹ này có thể được sử dụng để ứng phó với những thách thức nhất định, trong đó có việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.