Tại sao giá nhiên liệu ở Mỹ tăng dù hầu như không sử dụng dầu của Nga?

Người dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng tại nước này nhảy vọt lên những mức kỷ lục mới; giá dầu tại Mỹ đã đạt 4,33 USD/gallon (3,78 lít) hôm 11/3 vừa qua.
Tại sao giá nhiên liệu ở Mỹ tăng dù hầu như không sử dụng dầu của Nga? ảnh 1Một trạm xăng ở Alhambra, bang California (Mỹ), ngày 4/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các số liệu thống kê chính thức mới đây cho thấy Mỹ hầu như không sử dụng dầu của Nga. Vì vậy theo lý thuyết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu và khí đốt tăng đột biến sẽ ít tác động đến nước này.

Tuy nhiên, thực tế là người dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng tại nước này nhảy vọt lên những mức kỷ lục mới. Giá dầu tại Mỹ đã đạt 4,33 USD/gallon (3,78 lít) vào thứ Sáu vừa qua (11/3).

Tại sao điều này lại xảy ra?

Dùng ít nhưng vẫn chịu ảnh hưởng lớn

Dù đúng là phần lớn dầu của Nga được chuyển đến châu Âu và châu Á, mấu chốt ở đây là những cân nhắc về nguồn cung dầu trên toàn cầu, thay vì chỉ chú ý tới Mỹ. Thị trường hàng hóa thế giới có liên kết chặt chẽ với nhau và dầu được định giá thông qua thị trường toàn cầu. Vì vậy, những gì xảy ra ở một khu vực trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác.

Vấn đề ở đây: Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Như vào tháng 12/2021, Nga đã xuất gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ ra thị trường toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng cùng các mặt hàng khác.

Đúng là rất ít nguồn cung dầu của Nga đến Mỹ - chỉ 90.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 12 năm ngoái, theo thống kê gần đây nhất của Chính phủ Mỹ. Ngược lại, vào năm 2021, châu Âu chiếm 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga và Trung Quốc chiếm tới 20%.

Nhưng dầu được mua và vận chuyển khắp thế giới thông qua thị trường hàng hóa toàn cầu. Vì vậy, việc nước nào hay khu vực nào đang bị tổn thương bởi thiếu nguồn cung dầu từ Nga không phải trọng tâm của vấn đề khi nguồn cung thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến giá toàn cầu. Và dựa trên các lý thuyết kinh tế cơ bản nhất, khi nguồn cung một mặt hàng thấp hơn nhu cầu, giá sẽ tăng.

Nếu châu Âu mua ít dầu từ Nga hơn, họ sẽ phải thay thế bằng dầu từ một nơi khác - có thể từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu. Khi đó, sự gia tăng nhu cầu đối với dầu của OPEC sẽ khiến giá dầu thô của khối này cao hơn. Và có thể đoán xem ai khác mua hàng trăm triệu thùng dầu của OPEC nếu không phải là Mỹ.

Tại sao nguồn cung của Nga giảm?

Ban đầu, các nước phương Tây và Mỹ, miễn trừ dầu và khí đốt tự nhiên của Nga khỏi các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 8/3 đã đảo ngược hướng đi này, tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga và các nhiên liệu khác vào Mỹ.

Vào cùng ngày, Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. EU đang ở thế khó xử liên quan tới các vấn đề trên, vì họ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga.

Song kể cả việc thiếu các lệnh cấm chính thức cũng không thực sự tác động lớn tới giá cả. Trên thực tế đã có lệnh cấm đối với dầu của Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, với hầu hết nguồn cung dầu của nước này không tìm được khách hàng. Đó là bởi sự lo ngại và thận trọng của các nhà giao dịch dầu.

[Giá dầu thế giới dự báo "sẽ vẫn ở mức cao" dù giảm 5% trong tuần]

Có rất nhiều yếu tố không chắc chắn xung quanh việc mua dầu của Nga, cho dù đó là khả năng hoàn tất các giao dịch thanh toán do các lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng Nga, hay việc tìm kiếm các tàu chở dầu sẵn sàng đến các cảng của nước này giữa lúc hoạt động hàng hải gặp nguy hiểm trong vùng chiến sự.

Ngân hàng đầu tư JPMorgan của Mỹ gần đây ước tính lượng dầu tương đương 4 triệu thùng mỗi ngày của Nga đã bị loại hoàn toàn khỏi thị trường. Giới đầu tư về cơ bản đang định giá dầu như thể nguồn cung của Nga không có sẵn, dù loại dầu chính mà Nga xuất khẩu vào châu Âu đang được chào bán với mức chiết khấu lớn.

Một lần nữa, cung ít hơn sẽ đẩy giá lên cao hơn.

Tại sao các nước khác không thể nâng sản lượng dầu?

Một lý do đáng nhắc tới cho câu hỏi này chính là đại dịch COVID-19. Vào mùa Xuân năm 2020, thời điểm dịch bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu, không ai muốn mua dầu vì các lệnh phong tỏa đồng nghĩa là không ai cần đổ xăng và đến văn phòng. Với nhu cầu giảm, giá dầu cũng đi xuống. Thậm chí trong một thời gian ngắn, mức giá giao dịch của “vàng đen” rơi xuống vùng âm.

Đến lượt OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá. Các nước này đã giữ mục tiêu sản xuất ở mức thấp kể từ đó và chỉ dần dần tăng sản lượng trở lại vào giai đoạn gần đây, ngay cả khi nhu cầu về dầu và xăng phục hồi sớm hơn dự kiến.

Tại sao giá nhiên liệu ở Mỹ tăng dù hầu như không sử dụng dầu của Nga? ảnh 2Bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ) ngày 26/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga cũng là một thành viên của OPEC+. Do đó, khối này sẽ không vội vàng “giải cứu” thị trường. Saudi Arabia đã nói rõ trong nhiều tháng ngay từ trước khi cuộc xung đột bùng phát, rằng nhóm này không có kế hoạch sớm nâng sản lượng.

Tuy nhiên, chính sách “sắt đá” đó của OPEC+ đã có dấu hiệu rạn nứt.

Trong một diễn biến khó hiểu vào đầu tuần này, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tại Mỹ trả lời hãng tin CNN rằng nước này muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích các đối tác trong OPEC+ làm như vậy.

Nhưng sau đó, Bộ trưởng Năng lượng và cơ sở hạ tầng của UAE lại viết trên trang Twitter cá nhân rằng quốc gia này sẽ tuân theo thỏa thuận OPEC+ và từng bước nâng sản lượng.

Sau đó, Bộ Dầu mỏ Iraq lại cho biết các nhà lãnh đạo của họ đã họp và nhất trí các đối tác OPEC+ nên cân bằng giữa cung và cầu để ổn định thị trường. Tới hiện tại, các tín hiệu của OPEC+ đang khá trái chiều và thiếu rõ ràng.

Liệu các công ty năng lượng Mỹ có thể giúp sức?

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2021, bơm ra 9,7 triệu thùng/ngày. Nhưng Mỹ đứng số 1 với 10,2 triệu thùng/ngày. Các công ty Mỹ không cần tuân thủ các mục tiêu sản xuất được quốc gia khác bắt đi buộc theo như OPEC+.

Dù vậy, các nhà sản xuất dầu của Mỹ không thể hoặc sẽ không lấp đầy khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung, mặc dù họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ giá và nhu cầu đều lên cao.

Một lần nữa ở đây, COVID-19 lại góp mặt như một lý do cản trở. Giống như nhiều ngành công nghiệp trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất dầu đang vật lộn để tìm kiếm nhân viên và nguồn cung cấp thiết bị chuyên dụng.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ của Mỹ vẫn đang cố phục hồi tác động của vụ giá dầu “rơi thẳng đứng” trong năm 2020, vốn là khởi đầu cho một loạt các vụ phá sản trong ngành công nghiệp. Hiệu suất cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lớn cũng đã tụt hậu so với thị trường rộng tổng thể kể từ đó.

Ngoài ra, khi làn sóng bảo vệ môi trường lên cao, với tư cách là các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, các công ty dầu của Mỹ cần cảnh giác trước khả năng các chính sách môi trường có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong tương lai.

Tất cả những điều trên càng cho thấy giá dầu và khí đốt có mối liên hệ như thế nào với các sự kiện địa chính trị, đại dịch, hoạt động khai thác và nhiều hơn thế nữa. Về lý thuyết, tất cả chỉ đơn thuần là vấn đề cung thấp, cầu cao. Nhưng những sự kiện có quy mô và sức ảnh hưởng lớn như vậy ít khi nào đơn giản như lý thuyết đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.