EU chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những cú sốc về nguồn cung năng lượng

Lãnh đạo 27 nước EU nhất trí phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
EU chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những cú sốc về nguồn cung năng lượng ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga) sang châu Âu. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần ngay lập tức tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa Đông tới và chuẩn bị ứng phó những cú sốc về nguồn cung.

Dự kiến, lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về vấn đề này ở một hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Những ảnh hưởng của tình hình căng thẳng ở Ukraine đối với giá năng lượng đã thúc đẩy các lãnh đạo của 27 nước EU nhất trí hồi tuần trước rằng cần phải chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, việc chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc trên sẽ mất nhiều năm, do đó các nước EU đang triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng gián đoạn nguồn cung từ Nga, nước cung cấp đến 40% nhu cầu khí đốt, 27% nhu cầu dầu mỏ và 46% nhu cầu than đá của EU.

Theo dự thảo tuyên bố dự kiến được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh EU từ ngày 24-25/3, việc tích trữ khí đốt trên toàn EU nên bắt đầu được thực hiện ngay. Các nước EU và Ủy ban châu Âu (EC) cần nhanh chóng phối hợp để bảo đảm đủ lượng khí đốt dự trữ trước mùa Đông tới.

[EU thảo luận việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga]

Dự kiến, EC sẽ đưa ra các quy định vào tháng tới, yêu cầu các nước EU bảo đảm rằng lượng khí đốt dự trữ ở mức ít nhất 90% trước ngày 1/10 hàng năm. Hiện nay, EU đã tích trữ được 26% lượng khí đốt dự trữ cần thiết.

Cũng tại hội nghị trên, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận những biện pháp nhằm giảm bớt tác động của việc giá năng lượng tăng cao đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên một mức cao mới trong tháng này sau khi khủng hoảng tại Ukraine xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.