Liên minh châu Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga

Nếu được thông qua, các biện pháp trừng phạt mới sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moskva kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine-Nga hồi tháng 2/2022.
Liên minh châu Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga ảnh 1Người phát ngôn EC Eric Mamer phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moskva kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine-Nga hồi tháng 2/2022.

Bên cạnh đó, người phát ngôn EC Eric Mamer cũng cho biết Chủ tịch EC Ursula von der Leyen dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev vào ngày 9/5.

Đây sẽ là chuyến đi thứ 5 của bà Ursula von der Leyen tới Ukraine kể từ tháng 2/2022.

[Ba Lan: EU đang thảo luận về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga]

Theo ông Mamer, chuyến thăm này nhằm tập trung vào sự toàn diện của mối quan hệ EU-Ukraine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của EU đối với Kiev.

Ông Mamer cho biết thêm chuyến thăm được thực hiện vào "Ngày châu Âu" - ngày đánh dấu sự ra đời và hình thành của EU.

Trong bối cảnh đó, khối liên minh hoan nghênh việc Kiev từ nay cũng công nhận "Ngày châu Âu" là một ngày lễ tại Ukraine.

EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân.

Theo đó, các cá nhân trong diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản tại EU và không được cấp thị thực nhập cảnh EU.

Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.

Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.

Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn.

Các quan chức ngoại giao EU trước đó cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng từng cho biết các cuộc thảo luận của EU về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trở nên khó khăn hơn khi liên minh đã áp đặt mọi lệnh trừng phạt nghiêm khắc có thể đưa ra đối với Moskva và “không còn nhiều biện pháp để áp dụng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.