Liên minh châu Âu 'nín thở' chờ liên minh cầm quyền mới tại Đức

Đường lối của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phụ thuộc rất lớn vào liên minh cầm quyền tại Đức cũng như cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra ngay mùa Xuân năm 2022.
Liên minh châu Âu 'nín thở' chờ liên minh cầm quyền mới tại Đức ảnh 1Tổng Thư ký đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Paul Ziemiak, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (FDP) Volker Wissing và Tổng Thư ký đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Markus Blume trong cuộc đàm phán thành lập Chính phủ, tại Berlin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quá trình đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức bắt đầu khởi động ngay từ ngày 27/9 sẽ mở ra một giai đoạn chờ đợi khó khăn cho Liên minh châu Âu (EU), trong khi khối này đang cố gắng ổn định sau những biến động lớn do dịch COVID-19 gây ra.

Đường lối của EU sẽ phụ thuộc rất lớn vào liên minh cầm quyền tại Đức cũng như cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra ngay mùa Xuân năm 2022.

Theo báo Pháp Liberation số ra ngày 27/9, EU sẽ rơi vào tình trạng “treo” sau khi Đức công bố kết quả tổng tuyển cử; và tình thế tương tự cũng sẽ xảy ra trong vài tháng tới, từ tháng 4-6/2022, khi Pháp tiến hành bầu cử tổng thống và hạ viện. Bởi lẽ, tương lai của khối phụ thuộc vào hai cuộc bầu cử này hơn là bầu cử nghị viện châu Âu. Những ông chủ thực sự của châu Âu vẫn là các nước thành viên, nhất là các nước lớn như Pháp và Đức.

Trong khi chờ đợi chính phủ mới của Đức hình thành, các thiết chế chính của châu Âu sẽ tạm ngưng hoạt động. Thật buồn là tình trạng không chắc chắn này diễn ra vào thời điểm phức tạp khi thế giới đang thay đổi với nhịp độ ngày càng nhanh và một hình thức “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Trung quốc đang hình thành.

Khác với Pháp, nơi mà tất cả có thể được giải quyết chỉ sau vài tuần, từ ngày 4/10, nước Đức sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài giữa hai chính quyền. Sau cuộc bầu cử vừa qua, để ký kết được một thỏa thuận liên minh giữa hai đảng cần phải mất tới 5 tháng đàm phán. Lần này, nhiều khả năng sẽ cần tới 3 đảng để đạt được thế đa số. Chỉ đến thời điểm đó, cơ cấu lãnh đạo, nội dung cương lĩnh của chính phủ mới và tên của vị thủ tướng kế nhiệm tiếp quản chiếc ghế của bà Angela Merkel để lại mới được biết cụ thể. Bởi vì trên thực tế, thủ tướng không nhất thiết là người đứng đầu đảng về thứ nhất sau cuộc bầu cử.

Tùy theo liên minh chính trị, chính sách châu Âu của Đức sẽ khác nhau, cho dù nước này, theo Hiến pháp, chưa bao giờ ngả theo hướng hoài nghi EU.

Giữa chủ trương thúc đẩy EU đi theo hình thái liên bang của ông Helmut Kohn (cựu thủ tướng Đức giai đoạn 1982-1998) cho đến phương thức liên chính phủ (đặc trưng là quyết định dựa trên sự đồng thuận từ Hội đồng châu Âu) rất được bà Angela Merkel ủng hộ, có một khoảng cách rất lớn.

Nếu như chính phủ mới ủng hộ đẩy mạnh hội nhập, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Đức sẽ tán thành tất cả các ý tưởng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ, từ việc củng cố chủ quyền của EU cho đến hội nhập về ngân sách và quốc phòng.

Các thủ đô châu Âu theo dõi rất sát các cuộc thương lượng bắt đầu ngay từ ngày 27/9. Ông Jean-Louis Bourlanges, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp, nhận xét: “Bầu không khí tại Đức tương đối thuận lợi, sẽ không có thảm kịch." Tuy nhiên, điều quan trọng là liên minh mới, nhất là nếu như nó tập hợp tới 3 đảng, sẽ ảnh hưởng đến chính sách châu Âu của Đức như thế nào.

Đối với Brussels, việc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) trở lại nắm quyền tại Đức gây ra nhiều lo ngại. Thủ lĩnh của đảng này, ông Christian Lindner, đang yêu sách được trao ghế Bộ trưởng Tài chính. FDP gần đây có xu hướng do dự, chứ chưa đến mức hoài nghi châu Âu. Họ ủng hộ mạnh mẽ duy trì chính sách thắt chặt ngân sách, phản đối ý định chia sẻ nợ công châu Âu, "dị ứng" với bất cứ hình thức chủ nghĩa bảo hộ thương mại nào. Điều này đi ngược với quan điểm của Pháp muốn "kết liễu" Hiệp định ổn định tài chính vì bị coi là không còn phù hợp với thực tế kinh tế hiện nay.

Pháp cũng muốn tiếp tục thực hiện Quỹ phục hồi kinh tế châu Âu (Next Generation EU) ký kết tháng 7/2020, tạo ra một khoản nợ công chung thường trực cho cả EU, đồng thời chấm dứt “sự ngây thơ” của EU trên lĩnh vực thương mại.

Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn: cả Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đều không nhiệt tình với mong muốn chi tiêu mạnh tay và bảo hộ thương mại của Paris. Nói cách khác, sự tham gia của FDP có thể sẽ cho phép họ từ chối một cách lịch sự đề xuất của Pháp, viện đến lý do không thể thiếu đảng này nếu muốn có đa số cầm quyền. Điều này chính xác đã xảy ra khi Hy Lạp suýt bị vỡ nợ: trở lại nắm quyền cùng CDU/CSU cuối năm 2009, FDP đã phủ quyết việc cứu trợ Hy Lạp khiến cho cuộc khủng hoảng cục bộ bị biến thành một cuộc khủng hoảng của cả khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng cho phép Wolfgang Schäuble, khi đó là Bộ trưởng Tài chính Đức, áp đặt liệu pháp sốc lên Athens và các hạn chế ngân sách cho các đối tác để đổi lấy sự hỗ trợ của Đức.

Nếu như FDP cuối cùng không tham gia liên minh, điều đó cũng không có nghĩa là giữa Pháp và Đức sẽ có "tuần trăng mật." SPD và Đảng Xanh khá lãnh đạm với vấn đề quốc phòng châu Âu và họ hoàn toàn hài lòng với "chiếc ô an ninh" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Paris cho rằng đã đến lúc cần phải thúc đẩy chính sách này vì Mỹ đẩy mạnh xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà không cần quan tâm đến các đồng minh già cỗi, như đã chứng tỏ sau vụ Kabul sụp đổ và thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS.

Cuối cùng, nếu thỏa thuận liên minh cầm quyền không có sự tham gia của CDU/CSU, đó sẽ là nhân tố gây mất ổn định cho Ủy ban châu Âu. Chủ tịch Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời bà Merkel, chắc chắn sẽ bị suy yếu bởi vì bà sẽ mất cơ hội tái cử.

[Thủ tướng Angela Merkel: 16 năm, 4 nhiệm kỳ và lời hứa với nước Đức]

Đảng SPD, nằm trong khối đa số tại Nghị viện châu Âu, trước đây ủng hộ bà do thỏa thuận Đại liên minh ở Đức, có thể sẽ gây khó khăn cho công việc của bà Ursula von der Leyen để phục vụ cho chính sách đối nội.

Như vậy, tại Brussels, người ta hy vọng CDU sẽ tiếp tục nắm quyền bằng cách này hay cách khác và thủ lĩnh của đảng này Armin Laschet, nghị sỹ châu Âu giai đoạn 1999-2005 và có hiểu biết sâu sắc về chính trị của khối, sẽ không do dự đảm nhận di sản của Angela Merkel.

Chính trị gia này được đánh giá ủng hộ nhiệt thành nhất EU trong 3 lãnh đạo đảng lớn tại Đức, có khả năng cập nhật tốt nhất chính sách châu Âu của Đức đã được nữ thủ tướng khởi động cả trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Sau khi liên minh cầm quyền và thủ tướng mới được công bố, mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, cần phải có thời gian để người kế nhiệm bà Merkel khẳng định vị trí trong chính phủ và phát huy được vai trò của mình trong EU. Không phải ngay từ năm 1988 cựu Thủ tướng Helmut Kohn đã giành được vị thế trong EU.

Người thay thế ông, Thủ tướng Gerhard Schroeder (1998-2005) phải đợi đến giai đoạn 2001-2002 mới thay đổi được tình thế do ảnh hưởng quá lớn của Ngoại trưởng Joschka Fischer, chính trị gia Đảng Xanh.

Còn bà Angela Merkel cũng phải cần đến 15 năm mới nhận ra rằng lợi ích của châu Âu và của nước Đức đang lẫn lộn với nhau. Như vậy, có thể nói rằng EU đang bước vào một giai đoạn không chắc chắn kéo dài, điều đó càng phức tạp hơn nếu như Tổng thống Pháp Macron không thể tái cử hoặc không nắm được đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa năm sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.