Liên minh châu Âu và Anh đạt thỏa thuận về quyền đánh bắt cá năm 2021

Thỏa thuận vừa đạt được đảm bảo quyền lợi cho các đội tàu đánh cá của EU và Anh hoạt động trong những vùng biển của EU và Anh cho tới cuối năm 2021.
Liên minh châu Âu và Anh đạt thỏa thuận về quyền đánh bắt cá năm 2021 ảnh 1Thuyền đánh cá neo tại cảng ở Scarborough, Anh ngày 4/1/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 2/6 đã đạt thỏa thuận về quyền đánh bắt cá trong năm 2021 sau cuộc điện đàm giữa Ủy viên châu Âu phụ trách Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevicius với Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice.

Thỏa thuận vừa đạt được đảm bảo quyền lợi cho các đội tàu đánh cá của EU và Anh hoạt động trong những vùng biển của EU và Anh cho tới cuối năm 2021, đồng thời quy định rõ sản lượng và hạn ngạch được phép đánh bắt đối với các loài thủy hải sản trong năm 2021 và 2022.

[EU từ bỏ 25% hạn ngạch đánh bắt cá tại vùng biển của Anh]

Trong thông báo cùng ngày, ông Sinkevicius nêu rõ: “Thỏa thuận này giúp đảm bảo tính dễ dự đoán và liên tục cho hoạt động của đội tàu (đánh cá) từ nay đến hết năm 2021. Thỏa thuận đem lại lợi ích cho ngư dân, các cộng đồng ven biển và các cảng biển cũng như góp phần đảm bảo các nguồn lực đại dương được khai thác một cách bền vững. Đây là bằng chứng cho thấy các đối tác ở 2 bên bờ Eo biển Manche có thể hợp tác cùng tiến về phía trước.”

Sản lượng đánh bắt cá của các đội tàu EU hoạt động trong vùng biển của Anh đạt giá trị khoảng 650 triệu USD mỗi năm.

Quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây nhiều trở ngại trong tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1/1/2021.

Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.