Liên minh châu Âu xem xét bắt giữ tàu chở người di cư trái phép

Bà Federica Mogherini đã đề xuất triển khai giai đoạn hai của chiến dịch hải quân EU tại Địa Trung Hải, bao gồm hoạt động bắt giữ các tàu chở người di cư trái phép.
Liên minh châu Âu xem xét bắt giữ tàu chở người di cư trái phép ảnh 1Người di cư tại nhà ga Keleti ở Budapest, Hungary ngày 1/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/9, tại cuộc họp không chính thức các bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, Ủy viên cấp cao EU về đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini đã đề xuất triển khai giai đoạn hai của chiến dịch hải quân EU tại Địa Trung Hải (EUNAVFOR Med), bao gồm hoạt động bắt giữ các tàu chở người di cư trái phép.

Bà tuyên bố, trong giai đoạn này lực lượng hải quân sẽ không chỉ bắt giữ mà còn tiêu hủy các tàu vận chuyển cũng như các tàu tháp tùng người di cư. Tuy nhiên, EU sẽ còn cần thời gian vài tuần lễ để ra quyết định chính thức, huy động tàu và các phương tiện cần thiết.

Bà Mogherini cũng thông báo, trong khuôn khổ giai đoạn một của EUNAVFOR Med, bắt đầu từ ngày 22/6, lực lượng hải quân EU đã cứu được trên 1.500 người di cư trên biển Địa Trung Hải. EUNAVFOR Med bao gồm ba giai đoạn gồm tìm kiếm-cứu hộ; bắt giữ tàu; tiêu hủy các tàu buôn người.

EU đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước thành viên do thiếu hiệu quả trong đối phó với khủng hoảng di cư. Sau vụ xác một bé trai người Syria bị sóng biển đánh dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan chỉ trích sự bất lực từ phía EU đang biến Địa Trung Hải thành "nghĩa địa" của người di cư.

Trong ngày 3/9, lực lượng chức năng nước này cũng đã bắt giữ và đưa ra tòa xét xử ngay bốn nghi phạm buôn người liên quan đến cái chết của 12 người Syria, trong đó có em bé 3 tuổi xấu số trên.

Chỉ trong năm tháng đầu năm, lực lượng tuần tra bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu được trên 42.000 người di cư trên biển Aegea, chỉ riêng trong tuần qua là hơn 2.160 người.

Tại "cửa ngõ" thứ hai vào EU là Italy, Thủ tướng nước này Matteo Renzi tuyên bố EU không nên chỉ giới hạn ở những phát ngôn bày tỏ sự phẫn nộ, mà cần phải hành động ngay.

Còn tại "cánh cửa phía Đông" của EU là Hungary, nơi tình hình người di cư đặc biệt hỗn loạn trong những ngày qua, ngày 3/9, hàng trăm người di cư đã từ chối rời khỏi tàu hỏa ở Bicske khi được biết sẽ bị chuyển đến các trại tị nạn ở Hungary. Họ vốn được đưa lên tàu từ thủ đô Budapest và hy vọng sẽ đến được biên giới Áo để từ đó tìm đường vượt sang Đức.

Theo nguồn tin châu Âu của hãng AFP, ngày 3/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đề xuất sẽ tái định cư 120.000 người di cư tại các nước Italy, Hy Lạp và Hungary, tăng mạnh so với kế hoạch 40.000 hồi tháng Năm vừa qua. Còn trong diễn biến mới nhất, Đức và Pháp đã nhất trí cần "ép" hạn ngạch tiếp nhận người di cư cho các nước thành viên chứ không chỉ kêu gọi tự nguyện như từ trước đến nay.

Tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, các nước thành viên EU cùng chung đường biên giới sẽ phải chia sẻ cùng nhau gánh nặng này, đúng theo tinh thần đoàn kết trong khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.