Liên minh của ông Berlusconi chiếm ưu thế trước thềm tổng tuyển cử

Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận giữa lúc chiến dịch vận động tranh cử ở Italy bắt đầu nóng lên.
Liên minh của ông Berlusconi chiếm ưu thế trước thềm tổng tuyển cử ảnh 1Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận giữa lúc chiến dịch vận động tranh cử ở nước này đã bắt đầu nóng lên trước thời điểm tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/3 tới.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất của viện nghiên cứu Tecne và hãng IPR cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với liên minh của ông Berlusconi, gồm đảng trung hữu Tiến lên Italy (FI), đảng cực hữu Liên đoàn Phương Bắc (LN) và đảng Những người anh em Italy (Fdl), đang vượt xa liên minh trung tả dẫn đầu là đảng Dân chủ (PD) cầm quyền cũng như đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S).

Cụ thể, theo cuộc thăm dò của Tecne, tỷ lệ ủng hộ đối với liên minh của ông Berlusconi đang ở mức 39,2%, khá gần với mức cần thiết 40% để thực sự có cơ hội đứng ra thành lập chính phủ.

Còn theo cuộc thăm dò của IPR, liên minh trung hữu đang có tỷ lệ ủng hộ ở mức 38%.

Chủ tịch hãng Tecne, ông Carlo Buttaroni cho biết ngoài việc phải giành được tối thiểu 40% số phiếu bầu, một đảng hoặc liên minh chính đảng còn cần phải đánh bại đối thủ ở vị trí thứ hai với khoảng cách hơn 12% số phiếu bầu mới giành được quyền tự thành lập chính phủ.

[Cựu Thủ tướng Berlusconi tuyên bố Italy không được rời khỏi Eurozone]

Kết quả thăm dò của cả Tecne và IPR đều cho thấy đảng xếp thứ hai là M5S hiện đang bị liên minh của ông Berlusconi dẫn trước khoảng 10% hoặc hơn.

Trong khi đó, do sự ủng hộ đối với đảng PD cầm quyền bị sụt giảm (còn khoảng từ 20-22%), đảng M5S lại có tỷ lệ ủng hộ vượt PD khoảng 6-7%. Nếu cộng gộp thêm các đảng cánh tả nhỏ khác, tỷ lệ ủng hộ một liên minh trung tả với PD là trụ cột hiện chỉ đứng ở mức từ 25-27,5%.

Hiện, các chính đảng ở Italy đã bắt đầu vận động nhằm thu hút cử tri. Hầu hết các đảng đều cam kết sẽ thay đổi hoặc hủy bỏ các quy định về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu.

Đảng FI của ông Berluconi và đảng LN thậm chí còn cam kết điều chỉnh hoặc hủy bỏ những cải cách liên quan đến hưu trí và thị trường lao động vốn đã từng được EU đánh giá cao.

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Italy sẽ được tổ chức dựa theo luật bầu cử mới đã được Quốc hội Italy thông qua hồi cuối tháng 10/2017.

Theo luật này, khoảng 36% số nghị sỹ ở cả hai viện sẽ được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu sẽ thắng cử. Số còn lại được bầu theo cơ chế đại diện theo tỷ lệ thông qua danh sách ứng cử viên của các đảng.

Ngoài ra, luật bầu cử cũng cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước khi diễn ra bầu cử.

Giới phân tích cho rằng với cơ chế bầu cử khá phức tạp cộng với cán cân lực lượng hiện nay giữa các phe phái, dự kiến một quốc hội treo sẽ là kết quả của cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.