Ngày 20/10, phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn truyền thông sở tại cho biết Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) dự kiến sẽ công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội vòng 1 của nước này vào ngày 22/10, song các kết quả sơ bộ cho thấy liên minh "Vì Tình yêu Ai Cập" (FLE), liên minh ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi, đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử vòng một, đứng ở vị trí thứ hai là đảng Hồi giáo Nour.
FLE, do cựu sỹ quan tình báo Sameh Seif Al-Yazal lãnh đạo, là một liên minh bầu cử, không phải một đảng phái chính trị. Liên minh này tập hợp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đất nước và các cựu thành viên trong Đảng Dân chủ Quốc gia vốn đã bị giải tán của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Các báo cáo không chính thức cho thấy FLE đã dẫn đầu vòng một cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tại 14 tỉnh sau khi giành được 60 ghế tại vùng Thượng Ai Cập và ba tỉnh thuộc khu vực Tây Lưu vực sông Nile.
FLE đã rất thành công khi thúc đẩy các nỗ lực sửa đổi Hiến pháp năm 2014, theo đó các thành viên của liên minh đã đề xuất một số quyền của Quốc hội cần phải chuyển giao cho Tổng thống nhằm tăng thêm quyền lực cho ông El-Sisi.
Kết quả sơ bộ cũng cho biết đảng Nour xếp ở vị trí thứ hai tại vòng một cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 17-19/10, với số ghế giành được chưa được tiết lộ. Sau khi ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013, Nour là đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào Quốc hội được chờ đợi lâu nay của Ai Cập.
Hiện chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu nhưng giới truyền thông trong nước và quốc tế ước tính tỷ lệ này chỉ vào khoảng 15-20% trong tổng số hơn 27,4 triệu cử tri đăng ký đi bầu cử vòng 1. Nhiều điểm bỏ phiếu, nhất là ở tỉnh Giza và Alexandria, chỉ chứng kiến người già đi thực hiện nghĩa vụ công dân, trong khi thanh niên trẻ lại tỏ ra ít mặn mà với sự kiện chính trị quan trọng này của Ai Cập.
Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai cập ngày 20/10 thông báo rằng chỉ 30.531 cử tri ở nước ngoài đi bỏ phiếu trong hai ngày 17-18/10, chiếm chưa tới 5% trong tổng số 700.000 cử tri đã đăng ký. Đây là tỷ lệ quá thấp khi Ai Cập có tới 10 triệu công dân sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra tại 13 tỉnh còn lại trong ba ngày từ 21-23/11, với khoảng 28 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu. Công dân Ai Cập ở nước ngoài sẽ đến các điểm bỏ phiếu trong hai ngày 21-22/11; người dân trong nước đi bầu cử từ ngày 22-23/11.
Bầu cử quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013. Cuộc bầu cử quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.