Công viên Quốc gia Thung lũng Chết tại California, Mỹ, từ lâu đã giữ danh hiệu là nơi nóng nhất trên Trái Đất.
Lần lượt vào ngày 16/8/2020, và ngày 17/6/2021, nhiệt kế đã nhảy vọt lên 54 độ C trong công viên quốc gia này, thu hút rất đông khách du lịch đến chụp ảnh bên cạnh chiếc nhiệt kế điện tử đặt tại đây.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận nhiệt độ 54 độ C vào năm 2020 là mức nhiệt độ cao nhất được ghi lại một cách đáng tin cậy từ trước tới nay.
Còn trong quá khứ, vào ngày 10/7/1913, nhiệt kế thủy nhân tại khu vực Furnace Creek ở Thung lũng Chết đã tăng vọt lên mức 56 độ C.
Cho đến ngày hôm nay, đây vẫn là mốc nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên Trái Đất, nhưng vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khí tượng học. Một số người lập luận rằng các thiết bị đo lường vào thời điểm đó không đủ tin cậy để ghi lại nhiệt độ một cách chính xác.
Một kỷ lục khác là 58 độ C, được ghi nhận vào năm 1922 tại El Azizia, Libya, đã bị hủy bỏ 90 năm sau đó, theo Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Tổ chức này lưu ý rằng nhiệt độ đo được trước kia có thể bị sai lệch tới 7 độ, do loại bề mặt mà người ta dùng để đo nhiệt.
Tại sao Thung lũng Chết lại quá nóng?
Theo đại diện bộ phận Dịch vụ của Công viên Quốc gia Thung lũng Chết, nhiệt độ không khí ở khu vực này thường tăng lên khoảng trên 48,8 độ C, do vị trí địa lý và sự khô hạn.
Trung bình hàng năm, lượng mưa rơi xuống Thung lũng Chết chưa tới 51mm, khiến thực vật và động vật sống tại đây luôn phải chịu tình trạng khô hạn.
Những tia nắng Mặt Trời hàng ngày thiêu đốt thung lũng, nằm sâu 86m dưới mực nước biển, với địa hình bao bọc đều là những ngọn núi.
[Mùa Hè 2022 là nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu]
Đó là lý do khiến Thung lũng Chết luôn nóng bức, ngột ngạt, và trở thành nơi nóng nhất trên Trái Đất.
Không khí nóng ở Thung lũng Chết bốc lên bị các dãy núi cao giữ lại. Khi nguội đi, phần không khí này rơi trở lại lòng thung lũng, nơi nó tiếp tục bị nén lại và làm nóng thêm một lần nữa.
Nhiệt độ bề mặt cao tới mức dường như có thể khiến mọi thứ bốc cháy. Nhiệt độ nóng nhất xuất hiện trên bề mặt Furnace Creek từng được ghi nhận là trên 93 độ C vào ngày 15/7/1972. Như vậy, người ta thực sự có thể nấu ăn được, nếu đặt chảo lên bề mặt Furnace Creek vào ngày hôm đó.
Tuy nhiên, nhiệt độ không khí cao nhất ghi nhận vào ngày hôm đó chỉ là 53 độ C. Sở dĩ có sự chênh lệch nhiệt cao là bởi không khí dẫn nhiệt rất kém.
Các điểm nóng khác trên Trái Đất
Thung lũng Chết có thể là nơi có nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất. Nhưng còn rất nhiều nơi khác có nhiệt độ cũng rất cao.
Nói đến nhiệt độ bề mặt, có hai nơi khác trên thế giới cũng đạt tới mức cao kỷ lục gần như tại Thung lũng Chết.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu vệ tinh về nhiệt độ mặt đất trên khắp thế giới và phát hiện nhiệt độ bề mặt lên tới 80,7 độ tại sa mạc Lut, Iran vào mùa Hè năm 2018.
Một mức nhiệt tương tự cũng đã được phát hiện tại sa mạc Sonoran, nằm dọc biên giới Mexico-Mỹ vào mùa Hè một năm sau đó. Nó đủ nóng để làm bỏng tay bạn nếu chạm vào.
Các nhà khoa học chưa rõ liệu biến đổi khí hậu có phải nguyên nhân gây ra những mức nhiệt cao kỷ lục này không, nhưng cũng cho biết thêm rằng các tác động của La Nina khiến khu vực trung tâm Thái Bình Dương trở nên mát mẻ, cũng như khiến sa mạc khô hơn. Và đây cũng có thể là một nguyên nhân gây ra các hiện tượng cực nóng nêu trên.
Cần biết rằng, Mặt Trời không phải là yếu tố duy nhất có khả năng tạo nên các khu vực với nhiệt độ bề mặt rất cao trên Trái Đất. Nhiệt độ trong các hồ địa nhiệt rực rỡ sắc màu tại công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ có thể tăng vọt lên tới mức trên 121 độ C, theo thông tin trên website của công viên.
Còn theo tạp chí National Geographic, các lỗ thông thủy nhiệt nằm dưới đáy đại dương thường xuyên phun ra các dòng chất lỏng cực nóng, có thể đạt nhiệt độ lên tới 398,8 độ C.
Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc hơn là vẫn có một số sinh vật thích nghi và tồn tại được trong các môi trường khắc nghiệt này./.