Liệu EU có thể thật sự tái can dự với Trung Quốc?

Đến nay, Trung Quốc vẫn là một đối tác, một đối thủ kinh tế và là “kình địch” cạnh tranh hệ thống của EU; việc xác định này có vẻ mâu thuẫn, song điều đó thể hiện thực tế phức tạp của một mối quan hệ.
Liệu EU có thể thật sự tái can dự với Trung Quốc? ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc (trái) và cờ Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau một năm khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) dường như đang cố gắng khắc phục những rào cản ngăn cách với Trung Quốc và tái thiết lập một cuộc đối thoại.

Kể từ tháng 9/2021, từ khóa trở nên phổ biến tại EU đó là “tái can dự.” Ý nghĩa của thuật ngữ “tái can dự” là gì và EU sẽ “tái can dự” ra sao hiện vẫn cần tiếp tục được thảo luận.

Bình thường hóa quan hệ một cách chậm rãi nhưng thiếu chắc chắn

Năm quan hệ EU-Trung Quốc đã khởi đầu theo cách đầy hứa hẹn. Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc mới được ký kết đã tạo ra triển vọng tích cực cho mối quan hệ giữa hai bên.

Hình ảnh cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmauel Macron và các Chủ tịch của Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu (EC) cùng tham dự một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy một trong những mối quan hệ thực sự gần gũi hơn. Thế nhưng, còn có những vấn đề khác đang diễn ra phía sau hậu trường của cuộc hội đàm trực tuyến này, mà phần lớn trong số đó thực sự không đáng lạc quan đến vậy.

Hiệp định CAI cũng đã làm dấy lại những tranh cãi căng thẳng trong nội bộ EU về một cách tiếp cận thích hợp đối với Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

Những vấn đề trên trở nên cao trào vào tháng 3/2021, khi EU và Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn nhau khiến quan hệ giữa hai bên bỗng nhiên bị đình trệ và gây ra căng thẳng kéo dài.

[EU sắp tung vũ khí mới để chống lại sự áp lực kinh tế từ Trung Quốc]

Vài tháng sau, các lệnh trừng phạt đã được giảm thiểu. Cuộc gặp cấp cao giữa Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng Bảy vừa qua đã mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ một cách chậm rãi, nhưng thiếu chắc chắn. Tuy nhiên, đồng thời Trung Quốc cũng bắt đầu can dự song phương với các quốc gia thành viên EU, một vấn đề mang tính “trầm kha” trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Cách tiếp cận của EU đối với Trung Quốc đang thay đổi

Bất chấp diễn biến nêu trên, EU vẫn không thay đổi cách tiếp cận ba bên trong “Tầm nhìn chiến lược EU-Trung Quốc” được thông qua năm 2019. Đến nay, Trung Quốc vẫn là một đối tác, một đối thủ kinh tế và là “kình địch” cạnh tranh hệ thống của EU. Việc xác định này có vẻ mâu thuẫn, song điều đó thể hiện thực tế phức tạp của một mối quan hệ.

Tuy nhiên, khi các yếu tố “đối thủ kinh tế” và “kình địch cạnh tranh hệ thống” trở nên nổi trội hơn, EU lại đang cố gắng khôi phục yếu tố “đối tác” trong quan hệ với Trung Quốc bằng cách tăng cường can dự nhiều hơn.

Sabine Weyand, Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại của Ủy ban châu Âu thừa nhận “có một thực tế đang trở nên phổ biến tại EU là chúng ta cần tái can dự với Trung Quốc.” EU nhận thức rõ rằng những kênh liên lạc với Trung Quốc đang mất đi đã và sẽ tiếp tục gây tổn hại đối với EU và thế giới.

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc từng là một trong những môi trường thuận lợi nhất để các chủ đề gai góc nhất có thể được nêu ra mà không kèm theo mức độ căng thẳng về quan điểm giữa Trung Quốc và Mỹ. Đối với một lĩnh vực cụ thể, Brussels luôn cố gắng khắc phục khoảng trống bất đồng đó.

Trong khi đó, cả EU và Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại. Trong Thông điệp Liên minh EU ngày 15/9/2021, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã không ít lần đề cập tới Trung Quốc, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Những lời đề cập này chủ yếu hướng tới cách tiếp cận mang tính cạnh tranh trong các lĩnh vực như đề xuất một luật mới về chip điện tử nhằm xây dựng năng lực cho EU trong sản xuất chất bán dẫn và về Global Gateway, một dự án kết nối sẽ tạo ra thêm một sự lựa chọn nhằm thay thế cho Sáng kiến "Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Việc nhắc đến tầm quan trọng của các giá trị EU và quy định pháp luật bổ sung cho các yếu tố nêu trên càng củng cố thái độ cương quyết trong chính sách đối ngoại của EU và gây khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thái độ cương quyết với quan điểm rõ ràng về những thách thức mà mối quan hệ EU-Trung Quốc phải đối mặt không có nghĩa là EU thiếu đi mong muốn tái can dự.

Cả hai cách tiếp cận đều có thể cùng tồn tại và vẫn song hành với nhau. Mặc dù có những quan điểm khác biệt trong và giữa các định chế, song EU vẫn có một niềm mong muốn mãnh liệt và rộng khắp đó là “mở khóa” tình trạng hiện nay.

Để chứng minh, chỉ cần nhìn lại những nỗ lực nhằm hàn gắn thỏa thuận tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc trước khi kết thúc năm 2021. Khi mà năm 2021 sắp trôi qua, nhiều khả năng hội nghị này sẽ diễn ra vào đầu năm 2022. Điều này cho thấy nỗ lực của EU nhằm mở lại một kênh đối thoại chính thức và toàn diện với Trung Quốc là hoàn toàn có thật.

Tuy nhiên, những thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra, tình hình tại Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương cũng như những lệnh trừng phạt lẫn nhau đã tạo ra tác động lâu dài trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Cụ thể, đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng căng thẳng rõ ràng trong việc giao lưu nhân dân và trao đổi thông tin giữa EU và Trung Quốc. Trong khi đó, tình trạng thiếu sự giao thiệp trực tiếp cũng góp phần làm gia tăng những đồn thổi và hiểu lầm.

Những khó khăn của việc tái can dự

Rốt cuộc, nguyên nhân khiến các hình thức tái can dự đều gặp khó khăn và mong manh đó là định hướng chính trị của Trung Quốc đang vượt ra khỏi khuôn khổ của đối thoại cởi mở, cũng như các giá trị mà EU tin vào và quy định pháp luật.

Liệu EU có thể thật sự tái can dự với Trung Quốc? ảnh 2Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này sẽ không thể thay đổi trong trung hạn và do đó chính sách đối ngoại của EU đối với Trung Quốc vẫn đang được phát triển nhằm đối phó với một Trung Quốc của hiện tại, hơn là một chính sách mà EU mong muốn. Chính sách đó bao gồm việc thông qua hàng loạt sáng kiến và biện pháp vốn không quá phổ biến tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính sách này không chỉ là về Global Gateway và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn là công cụ chống áp bức, quy định chống trợ cấp của nước ngoài và công cụ hỗ trợ quốc tế. Trong số này, công cụ chống áp bức có nguy cơ cao nhất sẽ gây nguy hiểm ngay lập tức cho chương trình nghị sự tái can dự, thậm chí trước cả khi chính sách ấy được thông qua.

Tranh cãi hiện nay giữa Trung Quốc và Lithuania không thể được xem là một trường hợp tách biệt trong cuộc cạnh tranh lớn hơn của EU cũng như đối với công cụ chống áp bức do EC mới đề xuất. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis đã nhận thấy mối liên kết giữa hai vấn đề này, bởi Lithuania “có thể rõ ràng là lý do để tiến hành đánh giá nhằm xác định liệu có hành vi áp bức kinh tế hay không.”

Khi Lithuania quyết định cho phép mở văn phòng đại diện vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) tại nước này, Trung Quốc đã kiên quyết phản đối bằng cách thông qua hàng loạt biện pháp trả đũa về kinh tế, mới đây là loại bỏ Lithuania khỏi hệ thống khách hàng của Trung Quốc. Lithuania sau đó được đưa trở lại hệ thống rồi lại bị loại ra, khiến cho tình trạng này hiện vẫn chưa được giải quyết và những diễn biến trong tương lại vẫn còn mơ hồ.

Nếu việc áp bức kinh tế nhằm vào Lithuania tái diễn, EU sẽ phải thể hiện tình đoàn kết, bởi Lithuania có thể sẽ phải trả một cái giá cực đắt nếu không được hỗ trợ. Khi đó những yếu kém chí tử và sự chia rẽ của Liên minh sẽ bị phơi bày, và rõ ràng hơn so với trước kia. Hơn nữa, điều này có thể tạo ra một tình thế kỳ lạ khi EU triển khai một công cụ chống áp bức mới nhưng lại không làm gì để giúp đỡ Lithuania, thành viên ngay chính thời điểm này đang phải đối mặt với áp bức của Trung Quốc.

Trong một động thái hiếm thấy, Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell và Phó Chủ tịch EC Dombrovskis đã ra một tuyên bố chung nhằm khẳng định rõ diễn biến xảy ra đối với Lithuania có tác động ảnh hưởng đối với toàn bộ mối quan hệ EU-Trung Quốc.

Chắc chắn, việc tái can dự sẽ được trông đợi và nên được ủng hộ. Tuy nhiên, nếu xảy ra, tái can dự của EU sẽ chỉ ở mức độ vừa phải và có giới hạn. Điều quan trọng là tìm ra và hỗ trợ những nền tảng để tái can dự với Trung Quốc và cố gắng thúc đẩy đối thoại trong những lĩnh vực có thể. Khi đó, những công cụ như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng giúp tránh được những nguy cơ hiểu lầm tai hại.

Hơn nữa, để tìm kiếm sự cân bằng giữa các mặt trong cách tiếp cận ba bên, EU cần phải tập trung giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa cách tiếp cận tổng thể với tiếp cận từng phần. Bởi với thời điểm hiện nay, sẽ là phản tác dụng nếu EU áp dụng bất cứ cách tiếp cận nào trong số các lựa chọn nêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.