Liệu IPEF có giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng từ Trung Quốc?

Có 2 vấn đề gây lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Ấn Độ là chuỗi cung ứng của nước này trở nên dễ bị tổn thương với “Không COVID-19" và BRI mất dần ý nghĩa vì một số thành viên rút khỏi dự án

Tờ Eurasia Review có bài viết nhận định rằng những gián đoạn gần đây trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang thúc đẩy các cuộc thảo luận nghiêm túc về sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc.

Cho đến nay, bất chấp sự đối đầu về mặt chính trị, sự phát triển nhanh chóng của Ấn Độ trong các ngành công nghiệp điện tử, điện và dược phẩm chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh sự nổi bật của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, với hàng loạt các lệnh trừng phạt chống Nga gây ra tác động gián tiếp đối với Trung Quốc, các động lực mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện.

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng

Người ta đặt câu hỏi liệu Ấn Độ có nên tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hay chuyển hướng sang các quốc gia khác? Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ trong giai đoạn 2019-2020 và là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Nam Á trong giai đoạn 2020-2021.

Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc về hàng điện tử trong các sản phẩm như điện thoại di động, thẻ thông minh, ghi âm và tái tạo âm thanh, pin Mặt Trời/quang điện trong giai đoạn 2019-2020 đã tăng mạnh. Sự thống trị của Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu các sản phẩm viễn thông và điện tử đã tăng cao sau khi Chính phủ Ấn Độ khởi xướng chương trình “Ấn Độ Kỹ thuật số” năm 2015. Trong lĩnh vực dược phẩm, gần như 100% dược chất API (Active Pharmaceutical Intermediates) được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, diễn biến thương mại Trung Quốc-Ấn Độ đã chứng kiến mối quan hệ ngược chiều về quỹ đạo xuất khẩu và nhập khẩu sau giai đoạn 2017-2018. Trong giai đoạn 5 năm 2013-2018, nhập khẩu từ Trung Quốc là động lực thúc đẩy thương mại. Sau đó, xuất khẩu sang Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, việc ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) đã làm dấy lên hy vọng về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Yếu tố quan trọng để gia tăng hy vọng là ngoại trừ Mỹ và Ấn Độ, tất cả các thành viên khác của IPEF đều tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc lãnh đạo. Hầu hết các thành viên này đều bị cuốn vào những lo ngại chiến lược về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thương mại và hoạt động chính trị quá mức trong khu vực.

Có hai vấn đề đều gây lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Ấn Độ. Thứ nhất, chuỗi cung ứng của Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương với chiến lược “Không COVID-19. Thứ hai, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đang mất dần ý nghĩa với việc một số thành viên rút khỏi dự án.

[Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ-Trung Quốc vượt 100 tỷ USD]

Ấn Độ không tham gia BRI. Các dự án kết nối cơ sở hạ tầng của Trung Quốc với các khoản vay của Trung Quốc không có khả năng ảnh hưởng đến Ấn Độ. Tuy nhiên, vai trò lớn mạnh của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sang Ấn Độ là một vấn đề đáng lo ngại. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm đến 15,4% tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2021-2022.

Những lựa chọn thay thế

Với những điều này, người ta cho rằng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, cũng có một quan điểm khác, khi một số quốc gia công nghiệp mới (NIC) trong RCEP đã trở thành lựa chọn thay thế tiềm năng.

Nhập khẩu hàng điện tử và điện của Ấn Độ từ Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong gần một thập kỷ qua. Việt Nam đã trở thành nguồn nhập khẩu hàng điện tử lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng của Trung Quốc mất dần lợi thế và việc tách khỏi Trung Quốc đang là những chiến lược mới nổi lên, Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự cạnh tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong trục tranh giành quyền lực toàn cầu mới này, Ấn Độ đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành cường quốc lớn trong khu vực. IPEF không phải là một khối kinh tế truyền thống với việc luân chuyển hàng hóa miễn thuế. Khuôn khổ này được định vị như một liên minh kinh tế, chủ yếu để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong thương mại và ảnh hưởng chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Có một số luận điểm cho rằng IPEF sẽ có ảnh hưởng lớn hơn Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vượt trội hơn sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Ấn Độ. Thứ nhất, IPEF chiếm thị phần lớn hơn trong thương mại của Ấn Độ so với RCEP do Trung Quốc dẫn đầu. Thứ hai, trong khi tỷ trọng thương mại lớn hơn với IPEF là cơ sở xuất khẩu, thương mại với RCEP lại dựa vào nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2020-2021, IPEF chiếm 32,4% tổng xuất khẩu của Ấn Độ so với 22,7% xuất khẩu sang RCEP. Ngược lại, RCEP chiếm tỷ trọng lớn hơn 36,8% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ so với 27,4% nhập khẩu từ IPEF. Trong trường hợp của IPEF, Mỹ là động lực tăng trưởng xuất khẩu và trong trường hợp của RCEP, Trung Quốc là động lực thúc đẩy nhập khẩu tăng đột biến.

Thứ ba, RCEP ẩn chứa nhiều rủi ro hơn đối với thâm hụt thương mại so với IPEF. Những điều này chứng tỏ IPEF có lợi thế hơn RCEP trong việc thu hẹp ưu thế của Trung Quốc trong khu vực. Điều này có thể trở nên có ích với Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục