Liệu nước Mỹ có tiếp tục ủng hộ thương mại toàn cầu?

Gần đây toàn cầu hóa đảo ngược, sự phân mảnh, việc trả lại sản xuất và sản xuất hàng hóa về quốc gia nguồn gốc để sau đó chuyển hoạt động sang các nước thân thiện trở thành những khái niệm thông dụng.
Kệ sữa bột trống trơn tại một siêu thị ở San Antonio, Texas, Mỹ ngày 10/5/2022. (Ảnh: Reuters)

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với một loạt thách thức; trong khi Mỹ vật lộn với sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sữa công thức dành cho trẻ em Liên minh châu Âu (EU) lại tỏ ra bối rối trước mối đe dọa về nguồn cung năng lượng khan hiếm do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Song song với đó, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang chứng kiến hiện tượng lạm phát tăng cao chưa từng có.

Phi toàn cầu hóa…

Một số người cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phụ thuộc quá mức vào thương mại quốc tế, tức là toàn cầu hóa. Thời gian gần đây, toàn cầu hóa đảo ngược, sự phân mảnh, việc trả lại sản xuất và sản xuất hàng hóa về quốc gia nguồn gốc (reshoring) để sau đó chuyển hoạt động sang các nước thân thiện (friend-shoring)… đã trở thành những khái niệm thông dụng.

Ở nhiều nơi trên thế giới, có một tâm lý thống trị rộng rãi rằng những quốc gia riêng lẻ có sự tự chủ sẽ ít phải hứng chịu những cú sốc từ bên ngoài hơn.

Những người phản đối toàn cầu hóa lập luận rằng chuỗi cung ứng tạo ra lợi nhuận giảm dần cho các công ty tư nhân. Những chính sách do chính phủ đưa ra, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là theo chủ nghĩa bảo hộ, đã nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị, với bằng chứng là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động hồi năm 2018. Khi đó, ấn tượng là các rào cản thương mại có thể giúp bảo vệ tất cả mọi người.

… có thật sự giải quyết vấn đề?

Tuy nhiên, những vấn đề mà các nước phải đối mặt hiện nay lại đang phản ánh một thực tế là chính những rào cản thương mại mới là yếu tố làm giảm khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

[Liệu nước Mỹ có tiếp tục ủng hộ thương mại toàn cầu?]

Trong từng trường hợp, tự do hóa có thể giúp làm dịu vấn đề. Bắt đầu với sự tắc nghẽn trong vận chuyển của Mỹ, biện pháp khắc phục ở đây là bãi bỏ Đạo luật Jones - đạo luật yêu cầu tất cả hoạt động vận chuyển giữa các cảng của Mỹ phải sử dụng các hãng vận tải Mỹ và có ít nhất 75% thủy thủ đoàn là người Mỹ.

Đạo luật này ban đầu được ban hành vào năm 1920 với mục đích tăng cường khả năng tự cung tự cấp và an ninh quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc ngành hàng hải nước này không có khả năng đối phó với xu hướng nhu cầu tăng đột biến như đã diễn ra trong năm qua, đã góp phần tạo ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Nếu không có Đạo luật Jones, các công ty Mỹ đã có thể thuê các tàu thuộc sở hữu nước ngoài để xử lý tình trạng tăng đột biến này, và như vậy công tác hậu cần sẽ linh hoạt hơn.

Đối với sự gián đoạn giao thông đường bộ của Mỹ, tình trạng thiếu hụt khung gầm xe tải là một phần của vấn đề. Giải pháp được đưa ra là gỡ bỏ thuế quan ngăn cản nhập khẩu khung gầm từ nước ngoài để giúp lấp đầy khoảng trống.

Điều tương tự cũng cần được áp dụng đối với tình trạng thiếu sữa công thức dành cho trẻ em. Rõ ràng, thị trường thế giới không hề khan hiếm sản phẩm này. Tuy nhiên, Mỹ lại có rào cản lớn đối với việc nhập khẩu sữa, bao gồm thuế quan, các rào cản hành chính rườm rà và quy tắc “Mua hàng Mỹ.”

Quy tắc “Mua hàng Mỹ” đã làm hạn chế tính hiệu quả của Chương trình Bổ sung Đặc biệt dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC) của chính phủ liên bang. Đây là chương trình  nhằm phân phối một nửa lượng sữa bột trẻ em được tiêu thụ ở Mỹ.

Cựu Tổng thống Trump thậm chí còn tiếp tục nâng rào cản đối với việc nhập khẩu sữa bột trẻ em từ Canada khi ông đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sau này là Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ gần đây đã đồng ý cắt giảm một số quy định để tạm thời cho nhập khẩu, song có thể nói những rào cản này là không nên có ngay từ đầu.

Động lực tạo ra sức mạnh phục hồi

Người ta có thể rút ra một kết luận chung từ vấn đề sữa bột trẻ em. Đúng là thương mại quốc tế đôi khi có thể là nguyên nhân gây ra biến động khi xuất hiện các cú sốc phát sinh từ bên ngoài. Ví dụ, sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga trong những năm qua đã khiến nước này dễ bị tổn thương trong cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, thương mại tự do cũng có thể giúp làm giảm biến động của những cú sốc bắt nguồn từ trong nước.

Lắp đặt những tấm pin năng lượng Mặt Trời tại tỉnh An Huy của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhiên liệu hóa thạch mua từ Nga, EU và Mỹ có thể dỡ bỏ rào cản nhập khẩu các tấm pin Mặt Trời và tuabin gió để hạ thấp chi phí năng lượng Mặt Trời và điện gió.

Ngày 6/6, chính quyền của Tổng thống Joe Biden thông báo tạm dừng hai năm đối với việc áp thuế mới lên các tấm pin Mặt Trời. Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực cho môi trường và khả năng của Mỹ trong việc đối phó với xu hướng giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Mặc dù vậy, các chính sách thuế quan cũ vẫn được giữ nguyên.

Đối với EU cũng vậy, trong bối cảnh mục tiêu giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Nga là rất khó khăn để đạt được, việc hạ thấp thuế quan và các rào cản khác đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo sẽ là một hướng đi đúng.

Có thể thấy, một giải pháp cho vấn đề lạm phát hiện nay là cắt giảm các rào cản nhập khẩu nói chung. Những chính sách phát huy hiệu quả đối với khung xe tải, sữa bột trẻ em và các tấm pin Mặt Trời cũng sẽ phù hợp với toàn bộ những hàng hóa có thể trao đổi khác.

Thuế quan đối với nhập khẩu gỗ mềm Mỹ từ Canada đã làm gia tăng chi phí xây dựng. Thuế quan của cựu Tổng thống Trump đối với thép và nhôm đã làm tăng giá mà các công ty Mỹ phải trả, từ đó đã góp phần khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho đinh, ôtô và nhiều sản phẩm khác có chứa hai kim loại này.

Trong một nghiên cứu gần đây, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng tự do hóa thương mại có thể giúp lạm phát của Mỹ khoảng 1,3 điểm phần trăm. Chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang xem xét cắt giảm một số biện pháp thuế quan từ thời cựu Tổng thống Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng, như một phần trong những nỗ lực nhằm làm giảm lạm phát.

Có thể nói, mặc dù tự do hóa thương mại không thể giải quyết triệt để tình trạng lạm phát, nhưng những bài học trong câu chuyện về sữa bột trẻ em, sự tắc nghẽn vận tải và an ninh năng lượng đã mang đến một thông điệp đó là sự cởi mở trong giao dịch sẽ là động lực tạo ra sức mạnh phục hồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục