Liệu trật tự Đông Á thời hậu Chiến tranh Thế giới 2 đang dần sụp đổ?

Mỹ đang mất đi vị thế cường quốc Thái Bình Dương. Trung Quốc đã trở thành nhân tố kinh tế chi phối ở Đông Á và đang có được quân đội tương đương với sức mạnh kinh tế của họ.
Liệu trật tự Đông Á thời hậu Chiến tranh Thế giới 2 đang dần sụp đổ? ảnh 1Các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Diễn đàn Đông Á tháng 7/2019. (Nguồn: TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Mỹ đang mất đi vị thế cường quốc Thái Bình Dương. Họ không còn kiểm soát các diễn biến ở Đông Á.

Mặc dù Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự lớn trong khu vực, nhưng sự hiện diện đó không còn chuyển thành khả năng đạt được những kết quả mà Washington mong muốn.

Cho dù nó mang ý nghĩa tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn thì trật tự Đông Á thời hậu Chiến tranh Thế giới II đang dần đến hồi kết.

Trung Quốc đã trở thành nhân tố kinh tế chi phối ở Đông Á và đang có được quân đội tương đương với sức mạnh kinh tế của họ.

Nhật Bản đang phá vỡ những hạn chế của “bản Hiến pháp hòa bình” để xây dựng sức mạnh quân sự riêng. Hàn Quốc mới đây đã hủy bỏ hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản, một hòn đá tảng trong hợp tác 3 bên mà Washington đã hối thúc 2 đồng minh Đông Á.

Trong nỗ lực cuối cùng, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trước kia đã cố gắng thực hiện xoay trục về Thái Bình Dương để đưa Mỹ trở lại môi trường kinh tế và an ninh Đông Á.

Tuy nhiên, sự xoay trục đã không xảy ra. Quân đội Mỹ vẫn sa lầy trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.

[Dự báo thế giới 2019: Khu vực Đông Á vẫn nhiều điểm nóng]

Chính quyền Trump đã ngay lập tức đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại tư do lẽ ra sẽ kết nối Mỹ với các nền kinh tế mạnh ở phía Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy nhanh hồi kết của trật tự thời hậu chiến bằng việc theo đuổi 3 mục tiêu chính ở Đông Á.

Ông đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để buộc nước này chấp nhận các yêu cầu của Mỹ liên quan đến việc tiếp cận thị trường và các đặc điểm khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đến nay vẫn chưa lùi bước. Mục tiêu thứ 2 của Trump là hối thúc các đồng minh của Mỹ chi trả nhiều hơn để được quân đội Mỹ tới đồn trú. Và cuối cùng, Trump muốn có một thỏa thuận với Triều Tiên.

Tuy nhiên, thỏa thuận như vậy không kết nối với bất kỳ mục tiêu nào lớn hơn ở Đông Á. Trump chỉ đơn giản muốn thể hiện rằng ông có thể đạt được điều gì đó mà những người tiền nhiệm của ông không thể làm được.

Không một mục tiêu nào trong số đó - đối đầu với Trung Quốc, buộc các đồng minh chia sẻ gánh nặng nhiều hơn và thỏa thuận với Triều Tiên - là những điều mới lạ.

Cả 3 chính sách này đều bắt nguồn từ những năm 1990. Tuy nhiên, Trump đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn để đạt được các mục tiêu đó.

Ông cũng gần như không chú ý tới cái giá phải trả khá cao cho những hành động của mình.

Lấy ví dụ, quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ không được khôi phục bởi Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như đậu nành cũng như các thị trường mới để xuất khẩu.

Hàn Quốc hiện không hài lòng về yêu cầu gia tăng chi phí của Mỹ. Một dấu hiệu mới đây là Nhà Xanh đang mong muốn hối thúc Mỹ trao trả 26 căn cứ quân sự cho Hàn Quốc.

Và cách tiếp cận “lúc này lúc khác” của Trump với Triều Tiên cũng làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa Washington và Seoul.

Việc hủy bỏ các cuộc tập trận chung khiến hợp tác quân sự bị thu hẹp, trong khi việc các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng không được gỡ bỏ đã ngăn chặn hợp tác kinh tế lớn hơn giữa hai miền Nam-Bắc.

Quả thật, trật tự Đông Á mà Mỹ giúp xây dựng sau Chiến tranh Thế giới II không hề mang tính hòa bình.

Nó được thiết lập trên cơ sở hai cuộc chiến - Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam.

Nó dựa trên hàng trăm căn cứ quân sự vốn làm gia tăng tình hình bạo lực ở các cộng đồng sở tại. Nó kéo dài rạn nứt thời Chiến tranh Lạnh mà đến nay vẫn được cảm nhận rõ rệt và để biện minh cho các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ.

Tuy nhiên, bất luận những thiếu sót đó, trật tự này đã tìm cách kiểm soát sự lan tràn của chủ nghĩa dân tộc. Ảnh hưởng thu hẹp của Mỹ trong khu vực xảy ra cùng thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trở lại.

Điển hình rõ ràng nhất là Nhật Bản, nơi những gì từng là quan điểm cực đoan về hành vi của Nhật Bản trong thời chiến giờ đây trở thành trào lưu chính, nhờ Thủ tướng Shinzo Abe. Trung Quốc cũng ngày một trở thành quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc hơn dưới thời Tập Cận Bình. Chủ nghĩa dân tộc Hàn Quốc cũng được gộp vào dự án thống nhất hai miền.

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump có thể là điển hình rõ ràng nhất của chủ nghĩa dân tộc.

Cách tiếp cận của Trump đã làm nhen nhóm chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Cũng như với châu Âu, việc Mỹ rút khỏi châu Á lẽ ra nên đi kèm việc tăng cường các thể chế hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Thay vào đó, sự sụp đổ của trật tự Đông Á lại kích động thù địch và xung đột.

Châu Âu phần lớn đã chuyển biến và vượt qua lịch sử chiến tranh đau thương hồi thế kỷ 20. Và giờ đây, nhờ các chính sách thiển cận của Mỹ, Đông Á đang bên bờ lặp lại lịch sử đáng buồn đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.