Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang có chiều hướng bị phá vỡ?

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là sự lựa chọn giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản độc đoán. Một số quốc gia đang bị buộc phải đưa ra lựa chọn.
Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang có chiều hướng bị phá vỡ? ảnh 1(Nguồn: The Yorker)

Theo trang mạng asiatimes, trong bối cảnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang có chiều hướng bị phá vỡ và sự kình địch Mỹ-Trung được đẩy lên những nấc thang mới, các quốc gia ở khu vực Đông Á ngày càng cảm thấy khó duy trì sự tự chủ chiến lược của mình và cũng không thể tạo ra các liên minh hay cơ chế quản lý xung đột một cách hiệu quả.

Do “người khổng lồ kinh tế” Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với phương Tây trên nhiều lĩnh vực, chứ không đơn thuần chỉ là mối đe dọa về sức mạnh quân sự hay tư tưởng nhị phân giống như Liên Xô trước đây, nên sự thống trị tiếp tục của Mỹ không còn chắc chắn nữa.

Sự năng động mới của một cường quốc lục địa đang trỗi dậy (Trung Quốc) đối mặt với một cường quốc xuyên lục địa đang suy yếu (Mỹ) sẽ gây áp lực buộc các nước phải chọn bên, thậm chí những nước này hiện có mối quan hệ kinh tế đan xen với cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải là một như trước đây.

Các diễn giả tại Diễn đàn Quốc phòng Seoul lần thứ 8 ngày 5/9 đã phát biểu rằng rủi ro lớn hơn khi không có hệ thống toàn cầu mới nào xuất hiện để thay thế cho trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ do phương Tây lãnh đạo.

Nghiêm trọng hơn, điều này xảy ra vào thời điểm các biên giới và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế làm cho các vấn đề khu vực trở thành các vấn đề toàn cầu và ngược lại.

Ông Chen Dongxiao - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải - nói: “Nhiều yếu tố đang trong quá trình phát triển. Trật tự quốc tế đang suy giảm. Mỹ đang chuyển từ xây dựng quy tắc sang phá bỏ quy tắc. Trật tự cũ đã không còn, trật tự mới vẫn chưa xuất hiện.”

Hệ thống nổ tung

Với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chà đạp lên các hiệp ước đa phương được ký bởi các chính quyền tiền nhiệm, trật tự toàn cầu đang thay đổi.

Quan điểm này được các diễn giả khác tại Diễn đàn Quốc phòng Seoul tán đồng. Khi Washington ngày càng hành động đơn phương, Trung Quốc sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống đó, đáng chú ý là bằng cách sử dụng một cuộc chiến tranh thương mại lớn để tìm cách xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu.

[Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình toàn cầu hóa]

Ông Hideshi Tokuchi - Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản - nói: “Mỹ là nước bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng Trung Quốc đang hành động dưới một khẩu hiệu ‘tương lai chung cho nhân loại.’

Mặc dù Bắc Kinh đã tham gia các cơ quan toàn cầu, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng nước này chống lại một số quy tắc mà các cơ quan đó yêu cầu.

Điều này phần nào phản ánh kinh nghiệm lịch sử cay đắng dưới bàn tay của phương Tây.

“Trung Quốc đã khai thác các lợi ích nhưng không hoàn toàn nhất trí với hệ thống luật pháp quốc tế hiện nay dựa trên kinh nghiệm về sự sỉ nhục lịch sử của họ. Khi hệ thống mở rộng ra khu vực này, Trung Quốc buộc phải trải qua các hiệp ước bất bình đằng và buộc phải ở trong những vị trí không tương xứng,” ông Tokuchi nói khi nhắc tới việc Trung Quốc tham gia các mạng lưới thương mại toàn cầu, diễn ra trong điều kiện xâm lược thuộc địa.

Một sự ngờ vực mới của Mỹ đối với Trung Quốc đang gia tăng - không chỉ trong lĩnh vực thương mại, nơi Trump đang tham gia một cuộc chiến tranh thuế quan quy mô lớn chưa từng có, mà còn trong lĩnh vực chiến lược.

Ông Dean Fealk - Chủ tịch chiến lược và đổi mới toàn cầu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Mỹ - nói: “Có một sự thay đổi lớn trong việc đánh giá Trung Quốc.

Nó vượt qua quan điểm của các đảng phái và địa lý từ Washington cho tới Thung lũng Silicon. Một cường quốc đang suy yếu tương đối phải đối mặt với một cường quốc đang lên.”

Sự thay đổi này được công nhận ở Trung Quốc. Ông Chen lưu ý: “Tôi không nghĩ sẽ có một sự đồng thuận, nhưng ở Washington nhiều người tin rằng Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế, vì thế Washington nên thay đổi hướng đi và thậm chí thúc đẩy việc hủy liên kết hoặc chia tách.

Ở Bắc Kinh, tôi không nhìn thấy một chiến lược mới đối với Mỹ, nhưng có một quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho một nước Mỹ thù địch hơn.”

Ông Tokuchi cảnh báo rằng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm hơn Liên Xô.

Ông nói: “Điều này không giống như Mỹ với Liên Xô trước đây: Trung Quốc đã được tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô, mặc dù Nga hiện nay có nhiều vũ khí hạt nhân, nhưng Trung Quốc là một cường quốc quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Liên Xô không có tất cả [yếu tố] này.”

Không liên minh

Cuộc đối đầu mới đang diễn ra trên toàn cầu và đặc biệt nguy hiểm ở Đông Bắc Á, nơi có nhiều điểm xung đột.

Ông Kim Ki-jung, Giáo sư của trường Đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Chúng ta đang chứng kiến sức mạnh quân sự gia tăng và chủ nghĩa dân tộc rất khiêu khích. Ký ức lịch sử, hay sự hòa giải không đủ, là một vấn đề lớn. Lịch sử tồn tại như một vấn đề rất quan trọng trong ngoại giao hiện nay.”

Tuy nhiên, trong khu vực, không có cơ chế kinh tế hoặc an ninh đa phương nào để quản lý các tranh chấp và khủng hoảng.

Ông Pascal Boniface, thuộc Viện các vấn đề quốc tế và chiến lược của Pháp, nói: “Bạn cần sự tin tưởng, nếu không bạn có thể gây ra chiến tranh do tính toán sai lầm. Vì vậy, nhiệm vụ chính là làm thế nào để ngăn chặn khủng hoảng biến thành chiến tranh.”

Trong khi Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đối đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực trong một cuộc xung đột ý thức hệ rộng lớn giữa các quốc gia độc tài và các nền dân chủ, thì không có liên minh ba bên thực sự nào ràng buộc một trong hai nhóm kia.

Theo ông Boniface, “không có sự cân bằng giữa các lực lượng, không có liên minh mạnh mẽ và các nước là quá khác nhau. Rất khó để tìm ra cách tiếp cận chung. Với việc thiếu vắng các tổ chức đa quốc gia, có quá nhiều sự khác biệt giữa các nước.”

Trong bối cảnh các liên minh lỏng lẻo và trong bối cảnh lợi ích kinh tế cũng như chuỗi cung ứng không còn tập trung vào các nền kinh tế phương Tây của Liên minh châu Âu và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, nhưng ngày càng đan xen với Trung Quốc, việc chọn bên trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Ông Tokuchi nói: “Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là sự lựa chọn giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản độc đoán. Một số quốc gia đang bị buộc phải đưa ra lựa chọn.”

Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có các liên minh chiến lược với Washington, nhưng cả hai đều coi Bắc Kinh là đối tác thương mại số một của họ, sự lựa chọn này thật rắc rối.

Ông Chen nói: “Các nước trong khu vực đang ở trong một tình huống phức tạp. Họ không muốn bị buộc phải lựa chọn, họ muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược.”

Với những căng thẳng thương mại hiện nay giữa Seoul và Tokyo, lịch sử là một thứ gì đó rất mạnh mẽ. Ông Boniface cho biết: “Ở Châu Âu, với các học giả Đức và Pháp, chúng ta có thể viết một cuốn sách lịch sử. Tôi không nghĩ điều đó có thể giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc giữa Trung Quốc và Nhật Bản.”

Một điểm gây tranh cãi khác là vô số tranh chấp lãnh thổ về quyền sở hữu các đảo và đảo nhỏ trong khu vực. “Hầu hết các quốc gia trong khu vực này đang cạnh tranh trên không gian vật lý, không phải ý tưởng hay nguyên tắc,” ông Tokuchi nói.

Tuy nhiên, ngay cả trong một khu vực có một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên trái đất - Triều Tiên được trang bị vũ trang hạt nhân - hòa bình vẫn thắng thế.

Ông Boniface nhấn mạnh: “Chiến tranh là không thể tưởng tượng được, nó quá tốn kém. Tôi nghĩ tất cả các nước đều biết điều này, thậm chí cả (nhà lãnh đạo Triều Tiên) ông Kim Jong-un”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.