Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ phá vỡ trật tự thế giới

Giáo sư Lưu Anh - làm việc tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc - nhận định rằng thương chiến Trung-Mỹ thực chất là sự phá vỡ trật tự thương mại thế giới.
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ phá vỡ trật tự thế giới ảnh 1Sản phẩm đồ hộp nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 17/5, Giáo sư Lưu Anh - làm việc tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc - nhận định rằng thương chiến Trung-Mỹ thực chất là sự phá vỡ trật tự thương mại thế giới và phá hủy trật tự thế giới.

Giáo sư Lưu Anh cho rằng dù Mỹ đã tăng thuế lên 25% đối với khoảng hơn 500 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh mới tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Điều đó cho thấy Trung Quốc thể hiện thái độ trách nhiệm rõ ràng đối với hợp tác cùng thắng.

Trung Quốc mong muốn thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ dựa trên nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina hồi tháng 12/2018, đồng thời cũng mong muốn đàm phán đạt kết quả nên đã thể hiện rất rõ sự nhẫn nại, trách nhiệm nước lớn, chứ không như Mỹ đặt lợi ích của mình lên trên hết.

Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế và cường quốc thương mại lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang, hai nước đều bị ảnh hưởng, tổn thất và không được hưởng lợi gì từ cuộc chiến này.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh có đủ khả năng kiểm soát được cuộc chiến này bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn, có sức chịu đựng dẻo dai, có tiềm lực đầy đủ và hoàn toàn đủ năng lực đối phó với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ này.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Lưu Anh, kể từ khi Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ hơn 1 năm qua (ngày 23/1/2018), thương mại và đầu tư xuyên biên giới toàn cầu đã suy giảm rõ rệt.

[Cuộc chiến thương mại làm tăng nguy cơ suy giảm của kinh tế Mỹ]

Trong nửa đầu năm 2018, đầu tư xuyên biên giới đã giảm tới 41%, trong khi chỉ số BDI (phản ánh chỉ số thịnh vượng của thương mại quốc tế) cũng đã giảm một nửa, xuống còn 66%.

Do đó, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi vì thương mại quốc tế là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, Mỹ đang tiến hành các cuộc chiến thương mại với tất cả các nước, trong đó có cả Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Đây chính là nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm.

Giáo sư Lưu Anh phân tích thêm rằng năm nay cũng là thời điểm kỷ niệm 10 năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Suy thoái kinh tế cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính bất ngờ.

Tính đến tháng 2/2019, nợ công của chính phủ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục hơn 22.000 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD hồi tháng 12/2017.

Theo Giáo sư Lưu Anh, rủi ro của khoản nợ công này cũng đang được tích lũy trên mức độ toàn cầu bởi trong bối cảnh tăng trưởng thấp, lạm phát thấp cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Bên cạnh đó, trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, việc Washington áp mức thuế cao lên 500 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ khiến chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất, bởi đây chính là những mặt hàng mà doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thực sự cần.

Chi phí, giá thành sản phẩm bỗng dưng tăng 25% sẽ khiến người dân Mỹ giảm chi tiêu và tiêu dùng. Bên cạnh đó, chi phí của doanh nghiệp tăng 25% sẽ thực sự đẩy lạm phát của nước Mỹ tăng lên một cách vô lý.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Mỹ đi xuống trong năm nay sẽ gây ra tình trạng lạm phát, hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, và khiến sự phát triển kinh tế của nước Mỹ gây ra rủi ro tài chính.

Cũng theo Giáo sư Lưu Anh, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang đều gây phương hại cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ, đồng thời tác động đến các nền kinh tế và thương mại toàn cầu khác.

Nguyên nhân ở đây là do Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khơi mào cuộc chiến này, thường xuyên trở mặt, nói một đằng làm một nẻo, thay đổi quyết định áp thuế bất ngờ.

Tổng thống Trump gây ra sự bấp bênh nghiêm trọng cho hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại toàn cầu bởi Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có ngành phục vụ thương mại và đầu tư tương đối lớn.

Mỗi quyết định của vị tổng thống này, đặc biệt là những hành động đi ngược lại nguyên tắc chuẩn mực cơ bản của thương mại toàn cầu, đều kiềm chế hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới của các nước khác.

Do đó, Giáo sư Lưu Anh khẳng định rằng cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào thực tế là sự phá vỡ trật tự thương mại thế giới và phá hủy trật tự thế giới. Sau khi Trump lên nắm quyền, Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)... đều do vị tổng thống này mà phải đàm phán lại từ đầu.

Hiện nay, mọi người đều hoài nghi về viễn cảnh kinh tế thế giới và trật tự toàn cầu. Theo bà, đây là tổn hại lớn nhất đối với toàn thế giới.

Xét từ biện pháp đáp trả lần này của Trung Quốc, Giáo sư Lưu Anh cho rằng thực ra Trung Quốc hiện sở hữu rất nhiều quân bài, công cụ và biện pháp, có thể sử dụng bất cứ lúc nào để trả đũa Mỹ, song Bắc Kinh đã không làm vậy.

Về cơ bản, Trung Quốc chỉ tăng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, mức thuế không vượt quá 20%, thậm chí không nâng tiếp lên 5%.

Trên thực tế, đây là biện pháp nhân văn của Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh biết rõ rằng việc tăng cường áp thuế hay thổi bùng cuộc chiến thương mại không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ, mà còn tác động đến các chuỗi cung ứng liên quan và doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế láng giềng.

Vì vậy, Trung Quốc đã không áp dụng các biện pháp tiêu cực như Mỹ đã làm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.