Nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, 2/4 vào đúng 20 giờ, các ánh sáng trên các công trình lớn của Roma-Italy đã chuyển từ màu vàng quen thuộc sang màu xanh.
Thậm chí, dãy đèn chạy dọc bờ sông Tevere chạy qua thành phố cùng được chuyển sang màu xanh lơ làm rất nhiều du khách và cả những người dân Rome ngạc nhiên.
Đây là một trong những hoạt động của chương trình "Light up Blue" (Thắp ánh sáng xanh) được tổ chức để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thu hút sự chú ý của dư luận xã hội về chứng tự kỷ và hàng triệu những người mắc chứng tự kỷ đang sống trên thế giới. Đây vốn một thứ bệnh hiểm nghèo và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng lại để lại nhiều hệ lụy cho số phận người bệnh và xã hội.
Từ năm 2007, Liên hiệp quốc đã quyết định lấy ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, "chúng ta cần thiết phải tìm ra những công cụ và hình thức mà Nhà nước có thể bảo đảm, để hỗ trợ toàn diện cho những người mắc chứng tự kỷ trong suốt cuộc đời của họ ... và đó là một trong những thước đo về nền văn minh của một đất nước," Tổng thống Italy, ông Sergio Mattarella đã phát biểu trong ngày 2/4 tại dinh Tổng thống về ý nghĩa của các hoạt động này.
Cho đến nay tại Italy, các bác sỹ, nhà khoa học đang tích cực tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng cho nguyên nhân của chứng tự kỷ.
Viện nghiên cứu Y Sinh Rome vừa công bố kết quả nghiên cứu tiến hành với 200 gia đình có bệnh nhân tự kỷ cho thấy có khoảng 30% số ca mắc chứng tự kỷ có nguyên nhân từ gen di truyền.
Các triệu chứng sẽ xuất hiện khá sớm, trong giai đoạn trẻ từ 14 đến 28 tháng tuổi và kéo dài suốt cuộc đời.
Chính vì vậy, việc can thiệp sớm là hết sức quan trọng để chẩn đoán, điều trị khi trẻ từ 2-3 tuổi hoặc 4 tuổi đối với các ca bệnh phức tạp hơn.
Tìm ra nguyên nhân và có hướng hạn chế các ca bệnh mới đã trở thành một nhu cầu cấp thiết trong xã hội Italy khi cứ 68 trẻ thì có một trẻ có các biểu hiện rối loạn tâm lý biểu hiện của chứng tự kỷ.
Kết quả nghiên cứu này có được là nhờ vào một kỹ thuật phân tích gen tiên tiến được gọi là Array-CGH cho phép nghiên cứu gien chính xác gấp 5 lần phương pháp truyền thống.
Giáo sư Antonio Persico, đại diện cho nhóm nghiên cứu, cho biết trong một tương lai gần, y học sẽ có khả năng xác định được các nguyên nhân khác, cũng như phác đồ điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân tự kỷ.
"Nguyên nhân từ gien đã được xác định nhưng cũng cần xác định thêm các nguyên nhân khác từ môi trường bân ngoài, tác động đến thai nhi trước khi được sinh ra; ví dụ như bị nhiễm khuẩn ở giai đoạn thứ nhất và thứ hai khi mang thai hay tác động của thuốc diệt côn trùng đối với phụ nữ có thai", Giáo sư Antonio Persico giải thích.
Tại nhiều thành phố khác ở Italy, ánh đèn màu xanh lơ cũng đã được thắp lên như một thông điệp thu hút sự chú ý của cộng đồng, xã hội đối với chứng tự kỷ trong ngày 2/4.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, tuần hành, hoạt động văn hóa, văn nghệ cho bệnh nhân tự kỷ và do những bệnh nhân tự kỷ biểu diễn cũng diễn ra ở nhiều nơi.
Theo thống kê, hiện ở Italy có khoảng 400.000 gia đình có bệnh nhân tự kỷ./.