Linh hoạt phòng chống dịch COVID-19 nhưng không chủ quan, lơ là

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ khi ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP vẫn không thay đổi: cả nước thích ứng, linh hoạt phòng, chống dịch nhưng không chủ quan, lơ là.
Các địa điểm bị phong tỏa do có trường hợp mắc COVID-19 tại ngõ 162B phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, đảo lộn cuộc sống bình thường cũng như làm thay đổi quan điểm sống của mọi người.

Quan điểm và chiến lược về phòng, chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi, đó là từ "ZeroCOVID" chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Từ một số kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch cũng như ý kiến phân tích của các nhà khoa học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng khẳng định: "Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"...

Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất: bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp, cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội phù hợp, hiệu quả. Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19."

Phòng, chống dịch với nhiều kịch bản khác nhau

Xác định "sống chung với COVID-19" cũng là chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng. Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta diễn biến rất phức tạp, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương đã đưa ra nhiều kịch bản phòng, chống với nhiều cấp độ khác nhau, cũng như đề phòng sự xâm nhập của biến chủng mới Omicron.

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thế trận toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phục vụ chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh. Nhằm bảo vệ những người trong nhóm nguy cơ mắc COVID-19, một tuần trước đây, thành phố đã triển khai chiến dịch bảo vệ 6 bước, gồm: Nắm số lượng người trong nhóm nguy cơ tại thành phố để quản lý; tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa tiêm hoặc tiêm mũi tăng cường; xét nghiệm sàng lọc cho những người này và người cùng nhà; khi phát hiện F0, phát ngay thuốc Molnupiravir cho người bệnh sử dụng; phân loại ca bệnh để tiến hành điều trị tại gia đình (giao cho trạm y tế địa phương quản lý) hoặc đưa vào viện (nếu người bệnh có nhu cầu)…

Về kiểm soát biến chủng Omicron, các cơ quan chức năng Thành phố thực hiện nghiêm kế hoạch 8 nội dung để sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh, trong đó, đáng chú ý là việc giám sát các ca nhập cảnh bằng đường hàng không, đường biển. Những người nhập cảnh vào thành phố đều được cách ly y tế đúng quy định và xét nghiệm PCR.

Làm rõ hơn về thế trận toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin thành phố huy động 6.400 nhà thuốc tư nhân tham gia cung ứng, tư vấn thuốc cho người dân phòng bệnh. Hàng trăm phòng khám tư nhân tham gia quản lý, điều trị F0 tại nhà.

[TP.HCM triển khai chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn]

Hơn 1.500 bác sỹ tham gia Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ F0 từ xa. Hơn 16.000 sinh viên, giảng viên y khoa cùng hàng nghìn tình nguyện viên, tổ chức xã hội tham gia các hoạt động phòng, chống COVID-19.

Tại Hà Nội, thành phố đã ban hành các phương án về đáp ứng thu dung điều trị "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; cải tạo, nâng cấp, đầu tư hệ thống khí y tế tại 32 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, với tổng số khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống ôxy y tế đầu giường. 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập cơ sở thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, toàn thành phố đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả trong việc xét nghiệm, điều trị, cách ly theo diễn biến dịch bệnh và điều kiện triển khai thực tế trên địa bàn; chủ động các phương án thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; chủ động vaccine, thuốc điều trị, ôxy y tế.

Hà Nội luôn chủ động, chuẩn bị phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra, song song với việc hồi phục các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thương, đi lại người dân được đảm bảo.

Đồng thời, thành phố đã triển khai phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội; thực hiện đánh giá cấp độ dịch định kỳ để làm cơ sở thực hiện áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự đi lại của người dân - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định.

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, đơn vị trực thuộc Sở, đơn vị liên quan về việc tổ chức triển khai đăng ký và thiết lập điểm tiêm chủng cho người dân có nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, ngành y tế triển khai tổ y tế lưu động đến tận nhà tiêm cho người già yếu, người lớn tuổi có bệnh lý nền, đi lại khó khăn, để đảm bảo tất cả người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19...

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi quy định được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Việc tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ trước ngày 25/12.

Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai số điện thoại chăm sóc F0 tại nhà. Số điện thoại này sẽ hoạt động 24/7. Người mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà khi cần tư vấn sẽ gọi đến số điện thoại này để các bác sĩ, nhân viên y tế trực Tổng đài hướng dẫn điều trị và chăm sóc.

Hằng ngày, những người trực Tổng đài sẽ gọi cho các F0 đang được điều trị tại nhà vào khung giờ từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30 để hỗ trợ người bệnh. Số điện thoại này sẽ được kết nối tới trung tâm y tế các địa phương khi có trường hợp F0 đang điều trị tại các địa phương đó gọi đến...

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP một cách linh hoạt

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã phân công phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao.

Cùng với đó, Bộ cơ bản đã bảo đảm đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng, chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định tại Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021.

Một vấn đề quan trọng để bảo đảm thích ứng với dịch bệnh tình hình mới là việc bao phủ vaccine. Tính đến ngày 16/12, đã 136.861.720 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm.

Theo số liệu thống kê từ đầu tháng 9 đến tháng 12/2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể (trung bình 1 ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều và tốc độ tiêm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Về tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine/dân số, Việt Nam xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei).

Theo mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến cuối năm 2021 và 70% đến giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.

Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bảo đảm bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; đồng thời, khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch, đẩy nhanh việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc theo hướng dẫn hiện hành; đề xuất nhu cầu vaccine và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022-2023 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Về công tác điều trị, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; huy động chính quyền cơ sở tham gia rà soát, phân loại nguy cơ người bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao.

Các địa phương cũng cần thực hiện “chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” như: Khẩn trương tiêm vaccine cho các đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.

Bộ Y tế nhận định đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; có tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định "5K" về phòng, chống dịch...

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác." Việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.

Để giảm các ca mắc COVID-19 chuyển nặng, phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; đảm bảo đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp đông-tây y để chữa trị cho người bệnh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong phòng, chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Đồng thời, các bộ, ngành đẩy mạnh cải thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19, tổng hợp dự báo nhu cầu, khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; tiếp tục huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch...

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ khi ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP vẫn không thay đổi: cả nước cần thông suốt nguyên tắc thích ứng, linh hoạt phòng, chống dịch nhưng không có nghĩa là được phép chủ quan, lơ là.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, theo đại diện Bộ Y tế, trong trường hợp cần thiết, tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú; truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để "5K"; thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc "5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân" và các biện pháp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục